TTXVN xin giới thiệu hai bài “Đưa Luật Tài nguyên nước vào cuộc sống”.
Bài 1: Đẩy mạnh xã hội hóa ngành nước
Để thu hút nhà đầu tư và nâng cao chất lượng nước sạch, qua những lần sửa đổi, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 đã khuyến khích xã hội hóa mạnh mẽ thu hút những đơn vị đầu tư vào lĩnh vực khai khác và cung ứng nước sạch phát huy hiệu quả tại các địa phương.
Bình Dương phát triển xã hội hóa nước sạch
Trải qua những năm thiếu nguồn nước sạch, thủ phủ công nghiệp Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong việc cung cấp nước sạch từ khu vực đô thị đến các vùng nông thôn, cơ sở sản xuất.
Theo ông Lê Văn Tân -Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có những tác động khá nhiều tới tỉnh, bởi Bình Dương là tỉnh công nghiệp có nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Dù Bình Dương vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước, tuy vậy, thời gian tới, tỉnh cũng sẽ ban hành những chính sách ưu tiên cho người khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và chính sách phù hợp theo quy định của Luật Tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Ông Lê Văn Tân cho hay, tỉnh Bình Dương đã vận dụng hiệu quả nguồn vốn tự có, mạnh dạn huy động vốn vay ODA từ các tổ chức quốc tế và áp dụng kỹ thuật, phương pháp quản trị giảm thiểu thất thoát nước, từ đó tích lũy nguồn lực tái tạo đầu tư mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình, tại các nhà máy nước của Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã đóng góp lớn trong việc cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân với khối lượng 760.000 m3/ngày đêm. Đây là quá trình bền bỉ, kiên trì chuyển từ công nghệ cũ lạc hậu gây thất thoát nước lớn sang đầu tư bài bản và áp dụng công nghệ mới giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước xuống mức thấp nhất.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã sớm mở cửa cơ chế thị trường, vì thế tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty thực hiện huy động vốn và thực hiện nhiều dự án cấp nước để phục vụ ngày càng đầy đủ hơn cho sinh hoạt cũng như sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hệ thống nước của Công ty thời điểm nào cũng còn dư khoảng 15 đến 20% sản lượng. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư cấp nước sạch tại các vùng nông thôn xa xôi chẳng hạn như: Dầu Tiếng, Phú Giáo…
Anh Nguyễn Văn Tuyến, Doanh nghiệp ô tô Dương Nam Phát (Bình Dương) chia sẻ: “Hiện nguồn nước của Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương rất mạnh và vừa đảm bảo độ trong, sạch vừa đảm bảo sức khỏe cho gia đình chúng tôi. Lượng nước được cung cấp đầy đủ hàng tháng và gần như không bị cắt nước. Công nghệ thanh toán tiền nước cũng rất tốt, chủ yếu thông qua app nên rất tiện ích cho người dân”.
Có thể thấy, công tác xã hội hóa đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch tại Bình Dương không chỉ thành công về mặt kỹ thuật nâng cao chất lượng sử dụng nước mà còn đảm bảo an ninh tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một hình mẫu tích cực, đưa ra những kinh nghiệm cho nhiều tỉnh thành khác trong cả nước áp dụng.
Hiệu quả mô hình tái sử dụng nước tại Tuyên Quang
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, tái sử dụng nguồn nước, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang luôn khuyến khích việc tuần hoàn, tái sử dụng nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… và xem đây là giải pháp tập trung nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Gia đình ông Hoàng Mạnh Cường, ở xã Kim Phú, Thành phố Tuyên Quang là một ví dụ điển hình về mô hình tái sử dụng nguồn nước để kinh doanh sản xuất. Cụ thể năm 2020, gia đình ông Cường đã đầu tư mô hình trồng rau thủy canh tuần hoàn bằng ống nhựa trong nhà lưới. Hiện nay, gia đình ông đã có 2 nhà lưới trồng rau sạch với diện tích trên 600 m2.
Ông Hoàng Mạnh Cường chia sẻ “Mỗi tháng gia đình tôi chỉ dùng hết khoảng 8 khối nước cho cả vườn, bởi là nước hồi lưu nên không tốn và đảm bảo sạch. Trồng rau nhà lưới vừa tiết kiệm nước vừa hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Hòa Mục, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang cũng áp dụng mô hình sử dụng nước tuần hoàn để nuôi lươn, tái sử dụng nước để nuôi cá và trồng cây ăn quả. Theo ông Vinh, lươn sống trong môi trường bùn lầy song để thuận tiện theo dõi quá trình sinh trưởng của lươn, ông chuyển hướng sang nuôi trong môi trường nước. Hệ thống bể nuôi lươn được thiết kế khoa học, giảm thiểu tối đa tiêu tốn lượng nước. Các chất thải, nước thải trong quá trình nuôi được tái sử dụng để tưới cho cây ăn quả và nuôi cá.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, tuần hoàn, tái sử dụng nước đã được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và một số lĩnh vực khác. Việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả, trong đó có việc tuần hoàn, tái sử dụng nước luôn được ngành khuyến khích.
Để triển khai tốt các nội dung này, theo ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới, tỉnh cần khuyến khích các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đề ra các giải pháp xử lý nước, tái sử dụng nước, tuần hoàn tái sử dụng trong các mục tiêu sản xuất của dự án, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục tập trung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo phân cấp của Luật Tài nguyên nước để tổ chức quản lý tốt khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh.
Bài cuối: Hướng tới quản trị ngành nước bằng công nghệ số