Anh Lê Hải Tùng, chủ nhân mô hình “ATM gạo” miễn phí đầu tiên tại tỉnh An Giang chia sẻ: "Tôi thấy mô hình này triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Hội rất thiết thực, mang lại hiệu ứng xã hội rất tốt; đặc biệt, mô hình này giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tôi đã nảy sinh suy nghĩ triển khai mô hình này ở An Giang nhằm góp một phần nhỏ bé của mình cùng với cả nước và tỉnh An Giang chung tay đẩy lùi dịch COVID-19".
Nghĩ là làm, anh Tùng đã liên hệ với đơn vị chế tạo “ATM gạo” đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua 1 máy với giá 30 triệu đồng, sau đó, để giảm chi phí, anh Tùng tự lái xe tải của gia đình vận chuyển “ATM gạo” từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long Xuyên (An Giang) và cho lắp đặt ngay tại cửa hàng mua bán xe cơ giới của gia đình, thuộc tổ 16, khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên.
Theo anh Tùng, “ATM gạo” miễn phí này được cài đặt tự động ở các chế độ từ 1,5 đến 2kg gạo/lần. Thời gian nhận gạo, sáng từ 8 giờ đến 10 giờ và chiều từ 14 đến 16 giờ tất cả các ngày trong tuần. Do máy được cài đặt chương trình nhận diện bằng vân tay, nên người đến nhận gạo chỉ cần chạm tay vào nút tròn được thiết kế ở ngay phía trên bục nhận gạo thì gạo sẽ tự động chảy ra.
Người dân khi đến nhận gạo phải xếp hàng đúng cự ly theo các vị trí đã vẽ sẵn, đồng thời phải mang khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch rửa tay khô được bố trí ngay tại bàn nhận túi đựng gạo, nếu ai không tuân thủ các quy định trên thì máy sẽ ngừng hoạt động.
“Để đảm bảo vấn đề an toàn trong phòng dịch, gia đình và phía chính quyền địa phương đã đưa ra quy định về thời gian nhận gạo, nhưng nếu như bà con có nhu cầu và đến không đúng thời gian như đã thông báo thì “ATM gạo” vẫn sẽ phát gạo cho bà con; “ATM gạo” này sẽ phát gạo miễn phí cho tất cả người dân có nhu cầu, không phân biệt thành phần, khu vực sinh sống, mỗi lần nhận sẽ được từ 1,5 đến 2kg gạo. Hiện nguồn gạo để cung cấp cho máy vận hành do gia đình và bạn bè thân quen ủng hộ. Trước mắt, gia đình sẽ duy trình mô hình "AMT gạo" miễn phí này ít nhất trong vòng một năm, để có thể giúp đỡ được thật nhiều bà con nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang”, anh Tùng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Vẹn, nhà ở khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang - một trong những người đến xếp hàng nhận gạo sớm nhất xúc động chia sẻ, nhà có 2 vợ chồng già gần 90 tuổi, trước đây ông đi bán vé số, bà ở nhà nấu cơm, từ khi xuất hiện dịch bệnh, nhà nước tạm ngưng phát hành vé số, ông bà sống nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của bà con xung quanh. Nay có máy phát gạo miễn phí này ông rất vui và phấn khởi, vì nó sẽ giúp ông và nhiều bà con nghèo khác vơi đi phần nào khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Đang cẩn thận đặt túi gạo vừa nhận được vào giỏ chiếc xe đạp “cà tàng”, chị Hồ Thị Mai, nhà ở tổ 10, phường Bình Đức 5, thành phố Long Xuyên (An Giang) tâm sự, hai vợ chồng chị làm công nhân ở một cơ sở nhỏ, do dịch bệnh nên cơ sở phải tạm nghỉ, 2 vợ chồng mất việc làm, nên cuộc sống rất khó khăn, giờ có máy phát gạo tự động này sẽ giúp gia đình chị “cầm cự” được một thời gian nữa, chờ qua dịch bệnh, sẽ đi kiếm việc làm lại.
Nói về mô hình "AMT gạo" của anh Lê Hải Tùng, ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang rất ủng hộ những mô hình thiện nguyện mang tính cộng đồng của các tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về phía Mặt trận, thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ gạo cho mô hình này, để cây “ATM gạo” miễn phí này có thể duy trì lâu nhất có thể.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Long Xuyên và Ủy ban nhân dân phường Bình Đức cũng tích cực hỗ trợ anh Tùng trong việc bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, tiến hành làm mái che ở khu vực phát gạo giằm đảm bảo sức khỏe cho bà con nhân dân khi đến nhận gạo.