Đừng làm mất ý nghĩa của ngày Nhà giáo

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp để học trò và phụ huynh tri ân thầy cô giáo. Trước đây những món quà thường mang ý nghĩa tinh thần như những bông hoa, thứ quả trong vườn nhà… Nhưng ngày nay, những món quà ấy đã biến tướng thành những “phong bì dày”, quà tặng “khủng”. Làm sao để không làm mất ý nghĩa của ngày nhà giáo là vấn đề mà nhiều nhà giáo và xã hội quan tâm.

Vật chất hóa quà tặng

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) chưa đến, nhưng cả tuần qua nhiều phụ huynh đã tìm cách thể hiện sự quan tâm của gia đình với thầy cô. Chị Mai Khanh (Đào Tấn, Hà Nội) cho biết: “Tôi có hai cháu, một học bậc mầm non, một học bậc tiểu học. Có bốn cô giáo “cần quan tâm” trong dịp này. Hai năm trước, tôi thường tìm mua khăn quàng để tặng cô. Nhưng năm nay, tôi sẽ tặng hoa kèm phong bì tiền. Tôi thấy thế cô có vẻ thích hơn”. Chị Khanh cho biết thêm, ban đầu chị cũng chưa quan tâm đến việc này lắm, nhưng hỏi đồng nghiệp, bạn bè thì ai ai cũng chuẩn bị như vậy, nên chị không thể nằm ngoài cuộc được.
“Được phụ huynh quan tâm hơn, thái độ và sự nhiệt tình cũng khác hẳn đấy”, chị Khanh bật mí. Vì vậy cứ đều đặn 4 năm nay, chị đều nghĩ những khoản chi thiết thực cho ngày 20/11.

Học sinh tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Cô Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bản chất của việc tặng quà cho thầy cô giáo nhân dịp 20/11 là tốt. Nhưng ngày nay, với guồng quay xã hội, việc tặng quà đã biến tướng rất nhiều. Với tâm lý “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, không ít phụ huynh đã tự “quy ra thóc”, tặng phong bì tiền cho giáo viên.

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có thông báo về chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP Hồ Chí Minh. Ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, nhân dịp ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ GD - ĐT vui mừng được nhận “Thiếp chúc mừng điện tử tại địa chỉ hộp thư [email protected]”.

Những câu chuyện về “quà khủng” nhân ngày 20/11 lâu nay đã bị dư luận lên án. Chính những người thầy cô đã nhiều lần đề cập đến việc này như một sự xúc phạm. Một giáo viên dạy văn trường THPT Nguyễn Huệ (Ninh Bình) cho biết: “Tặng tiền, tặng những món quà giá trị hàng triệu đồng không khác nào “đút lót” thầy cô. Nếu không có những món quà ấy thì chúng tôi sẽ không quan tâm dạy dỗ học sinh sao? Tôi cảm thấy xấu hổ khi những năm gần đây, thấy câu chuyện tặng quà nhân ngày 20/11 lại nặng nề đến vậy. Tôi thấy buồn”.

Trải lòng về những món quà của phụ huynh trong dịp 20/11, vị giáo viên này cho biết, không ít lần đã từ chối phong bì của phụ huynh và cảm thấy “nghẹn đắng”. “Phụ huynh đang sợ con mình không được dạy bảo đến nơi đến chốn nên mới thành ra thế”, cô giáo dạy văn chia sẻ.

Những ngày gần đây, mạng xã hội đang “hot” với tấm biển thông báo của của trường mẫu giáo tư thục Duy An (phường 16, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vừa được đăng tải trên trang cá nhân của một phụ huynh với nội dung: "Dịp 20/11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào".

Trước thông tin này, không ít phụ huynh đồng thuận, nhưng cũng không ít phụ huynh phản đối. Bản thân vị phụ huynh đưa tấm hình đó cho biết: “Nói không tặng quà cũng không ổn, bởi ngày 20/11 là dịp để con có biết đến ngày này và tri ân thầy cô. Tôi sẽ vẫn dạy con về ngày này và con có tấm quà của riêng mình để tặng cô giáo. Đó sẽ là bức bưu thiếp con tự vẽ”.

Tìm lại giá trị đích thực

Cô Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Còn nhớ năm 1988, lúc đó tôi vừa ra trường, về giảng dạy ở Trường Tiểu học Phúc Tân (Hà Nội). Ngày 20/11 năm đó, bố của một bạn trong lớp làm nghề lái xe đã chở học sinh cả lớp đến nhà tôi. Chúng mang theo nào là nải chuối, bông hoa, cân khoai… (tôi không nhớ hết). Chơi cả buổi sáng mà ông bố vẫn chưa tới đón, tôi đã ra ngoài hàng mua cho cả lớp bánh mỳ để các em ăn bữa trưa. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên đối với nghiệp làm giáo của tôi”. Những năm sau đó, do công việc thuyên chuyển, tôi còn được dạy ở một số nơi, thì món quà của giáo viên cũng dừng lại ở đôi dép, tấm áo mưa, tấm thiệp mừng… Nhưng theo thời gian và sự thay đổi của đời sống mà món quà vì thế khác đi nhiều. Thật ra rất khó cấm phụ huynh thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô nhân dịp này. Tuy nhiên, tôi đồng tình với việc không tặng phong bì và cần ngăn chặn những biến tướng của việc tặng quà này”, cô Hà chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Hà Nội cho biết, đừng làm mất ý nghĩa của ngày Nhà giáo. Bởi nghề giáo vốn là nghề cao quý. “Có sự biến tướng như hiện nay lỗi cả về hai phía: Giáo viên và phụ huynh. Người lớn hãy làm gì đó để trò nhìn vào học tập. Tôi cho rằng, những món quà tri ân là đúng, nhưng đừng thành gánh nặng cho phụ huynh. Cũng như phụ huynh cần thể hiện sự chân thành ở đó. Có như vậy, ý nghĩa của ngày này mói tròn đầy”.

Lê Vân
Lớp học miễn phí của thầy giáo tật nguyền
Lớp học miễn phí của thầy giáo tật nguyền

Với nghị lực vượt khó vươn lên, hơn 10 năm qua, lớp học miễn phí, không phân biệt độ tuổi, đơn sơ trong ngôi nhà nhỏ của anh Bùi Văn Bình luôn rộn tiếng ê, a đọc bài của những em nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN