Lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 370/TB-VPCP ngày 14/11/2016 và số 37/TB-VPCP ngày 25/1/2017 về việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, ngày 17/2/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH thống nhất một số giải pháp và tiến độ thực hiện.
Bộ TT&TT đã giao cho Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (Viện CNPM) làm việc với Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) và Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) để khảo sát thực trạng các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có. Kết quả khảo sát cho thấy, Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) đang quản lý, khai thác 3 CSDL, gồm: CSDL liệt sĩ trước năm 2015; CSDL liệt sĩ năm 2015; CSDL giải mã.
Cục Người có công đang quản lý, khai thác 2 CSDL, gồm: CSDL liệt sĩ trước năm 2015; CSDL về liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (năm 2015).
Tuy nhiên, từng cơ sở dữ liệu được xây dựng độc lập, riêng rẽ, có nội dung bảo mật riêng và tình trạng dữ liệu trùng nhau trong các CSDL vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, cần tích hợp các CSDL hiện có thành một CSDL thống nhất và lọc dữ liệu trùng, dữ liệu nhiễu, đối sánh dữ liệu mới cập nhật với các dữ liệu hiện có... để rút ngắn thời gian tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Dựa trên kết quả khảo sát nêu trên, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viện CNPM thống nhất với Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) và Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) sử dụng siêu máy tính để chuẩn hóa CSDL về quân nhân hi sinh của Cục chính sách (Bộ Quốc phòng): Đối chiếu dữ liệu để lọc dữ liệu trùng nhau, dữ liệu nhiễu, từ đó giúp rút ngắn đáng kể công tác xử lý, chuẩn hóa dữ liệu của Cục chính sách, đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (khối lượng tính toán lên tới 1000 tỉ phép đối chiếu - cần siêu máy tính để tính toán).
Viện CNPM xây dựng trang thông tin, tìm kiếm thông tin liệt sĩ dựa trên việc tích hợp CSDL của Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng để cung cấp cho cơ quan chức năng thông qua một công cụ tìm kiếm duy nhất có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin nhất về liệt sĩ; trong đó, sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ Tiếng Việt, học máy cho phép tìm kiếm thông minh, giúp người dùng tiếp cận thông tin cần tìm nhanh hơn và phong phú hơn; Cung cấp chức năng tương tác với người dùng, giúp thu thập thêm thông tin từ người dân.
Vụ Thông tin cơ sở chủ trì, phối hợp với Viện CNPM; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội thực hiện chiến dịch tuyên truyền, giới thiệu về trang thông tin tìm kiếm liệt sĩ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo nhằm thu hút nhiều thành phần tham gia sử dụng công cụ tìm kiếm, từ đó sẽ giúp nhiều thân nhân tìm ra các thông tin hữu ích về liệt sĩ.
Hiện Viện CNPM đã xây dựng xong phần mềm tích hợp cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin về liệt sĩ dựa trên CSDL được tích hợp từ các CSDL thành phần của Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc Phòng. Đây sẽ là CSDL đầy đủ nhất từ trước đến nay giúp cho việc tìm kiếm, đối sánh nhanh chóng. Phần mềm cũng cung cấp các công cụ giúp hai Bộ (Quốc phòng và LĐTBXH) thu nhận các thông tin về liệt sỹ từ nhân dân cũng như cung cấp thông tin về liệt sỹ cho nhân dân thông qua Internet.
Ngày 22/6, phần mềm đã chạy thành công trên các số liệu thử nghiệm (do 2 Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH cung cấp). Các đơn vị đã thống nhất về cơ bản, các chức năng của phần mềm tích hợp là phù hợp nghiệp vụ nhiệm vụ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ.
Để phần mềm hoạt động được và trang Web có thể tìm kiếm, cần có dữ liệu (bản sao) đầy đủ các cơ sở dữ liệu của hai Bộ (Quốc phòng và LĐTBXH), Theo kế hoạch, từ ngày 10-15/7, hai Bộ mới có thể bàn giao dữ liệu. Khi có dữ liệu đầy đủ của 2 Bộ thì CSDL tích hợp và trang Web tìm kiếm thông tin liệt sỹ mới có thể sử dụng.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Cả nước còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa biết tên và 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Nếu làm theo biện pháp thủ công đến từng nghĩa trang để tìm kiếm thì sẽ không biết bao giờ sẽ xong. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ đẩy nhanh quá trình tìm kiếm này.