Hơn 62 cán bộ y tế đã bị kỷ luật sau những cuộc gọi phản ánh của người dân thời gian qua đến đường dây nóng. Như một phương tiện giám sát công cộng, đường dây nóng đã giúp ngành y tế vào cuộc, xử lý được rất nhiều trường hợp sai phạm, cũng như biểu dương kịp thời nhiều tấm gương, góp phần “xốc” lại vấn đề y đức cho ngành y.Xử lý triệt đểNgày 2/5/2015, anh Nguyễn Văn Phú (Lạc Thủy, Hòa Bình), chồng sản phụ Nguyễn Thị Linh Đức, đã gọi điện lên đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh việc: Ngày 16/4/2015, chị Đức có đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, siêu âm thai được 3,8 kg. Đến ngày 19/4/2015, chị Đức chuyển dạ và quay lại bệnh viện sinh. Do thai to, gia đình xin bệnh viện cho sinh mổ, nhưng bệnh viện không đồng ý và để sinh thường. Khi sinh ra, bé được 4,6 kg, nhưng 1 tay của bé không cử động được. Anh Phú có hỏi bác sĩ về tình trạng của bé, thì được trả lời là không có vấn đề gì. “Cảm thấy không yên tâm, nên sau đó tôi cho con đến Bệnh viện Nhi TƯ khám thì xác định bé bị gãy xương bả vai. Tôi đã yêu cầu bệnh viện làm rõ trách nhiệm, nhưng bệnh viện chỉ nói chuyển bé lên bệnh viện tỉnh điều trị”, anh Phú bức xúc và đã yêu cầu đường dây nóng kiểm tra lại trường hợp của anh.
Đường dây nóng như một công cụ giám sát của người dân với cán bộ y tế. Ảnh:Hồ Cầu - TTXVN |
Ngay sau khi nhận được phản ánh của anh Phú, tổ trực đường dây nóng đã gọi điện đến Bệnh viện Nhi TƯ, yêu cầu xác minh thông tin trường hợp này và báo cáo kết quả xử lý vụ việc cho người dân. Sau khi Bệnh viện Nhi TƯ xác minh đúng thông tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Thủy đã phải nhận trách nhiệm. Ngày 4/5/2015, anh Phú gọi lại thông báo đã được bệnh viện hỗ trợ giải quyết thỏa đáng và cảm ơn đường dây nóng Bộ Y tế.
“Để hệ thống đường dây nóng của Bộ Y tế hoạt động hiệu quả, rất cần sự phối hợp của người dân. Đặc biệt, người dân khi phản ánh cũng cần có sự cảm thông với cán bộ y tế và có văn hóa. Có lần tôi đang tắt máy giao ban, thì có người gọi đến không được, ngay sau đó họ nhắn tin để lại với lời lẽ rất thô tục khiến tôi rất bức xúc. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý đến nơi, đến chốn các phản ánh của người dân”.
PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E |
Với nhiều trường hợp bức xúc trước thái độ của y, bác sĩ, chất lượng, quy trình khám chữa bệnh, cơ sở vật chất… phản ánh lên đường dây nóng của Bộ Y tế đã được giải quyết thỏa đáng.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, đã có 8.441 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế qua số tổng đài 1900-9095, trong đó có 3.159 (37,4%) cuộc gọi đúng phạm vi giải quyết. “Phân loại các trường hợp gọi đến, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Trong 6 tháng đầu năm nay đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092 trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp, cải thiện cơ sở vật chất 188 trường hợp, khen thưởng 79 trường hợp”, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết.
Cũng theo ông Trường, nhờ những xử lý, rút kinh nghiệm kịp thời, mà các cuộc gọi phản ánh về thái độ của nhân viên y tế giảm mạnh, không chỉ ở tổng đài của Bộ Y tế, mà cả ở hệ thống đường dây nóng ở các bệnh viện, các Sở Y tế ở các tỉnh như tỉnh Vĩnh Phúc giảm từ 114 cuộc gọi (năm 2014) xuống còn 44 cuộc; Thanh Hóa giảm từ 206 cuộc (năm 2014) xuống còn 115 cuộc… Bên cạnh những phản ánh về sai phạm, nhiều người còn gọi đến để biểu dương y đức của nhiều y, bác sĩ tận tâm với bệnh nhân.
Cùng vào cuộcTheo ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế: Để đường dây nóng hoạt động có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Tổng công ty viễn thông Viettel xây dựng Đề án triển khai mở rộng và quản lý các thuê bao đường dây nóng của Bộ Y tế ở 3 cấp để tiếp nhận các ý kiến bức xúc của người dân. Hoàn thiện quy trình tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân tới đường dây nóng. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất tại các bệnh viện, các Sở y tế về việc triển khai thực hiện tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng. Đồng thời xây dựng quy chế khen thưởng, kỷ luật để tạo nguồn động lực khuyến khích cán bộ nhân viên y tế tích cực hoạt động.
Cũng theo ông Trường, các bệnh viện cần thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi thông tin phản ánh của người dân và kết quả xử lý sai phạm của Bộ Y tế, công khai bảng thông báo số điện thoại đường dây nóng. Đặc biệt khi có phản ánh của người dân cần nhanh chóng vào cuộc tổ chức xác minh, kiểm tra thông tin để phát hiện sai phạm và xử lý một cách thỏa đáng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, đường dây nóng là một trong những giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân với các hoạt động y tế. Tuy nhiên, 2/3 số cuộc gọi đến lại không đúng phạm vi giải quyết, thậm chí nhiều cuộc gọi còn không đúng sự thật, làm mất thời gian điều tra. Ngành Y tế kêu gọi người dân khi phản ánh thông tin cũng cần cân nhắc về nội dung, không xuyên tạc, tố cáo khi không có cơ sở, để đường dây nóng hoạt động thực sự hiệu quả, mang lại những giá trị hữu ích cho người dân.