Rình rập tai nạn trước cổng trường
Theo quan sát của phóng viên, khoảng 6 giờ 45 phút đến 7 giờ hàng ngày, trên đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), nơi có Trường Tiểu học và Trường Trung học Khương Thượng, ùn tắc giao thông kéo dài suốt con phố, khiến các phương tiện giao thông phải nhích từng cm.
Tại cổng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân và Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), lúc 16 giờ 30 phút, các phương tiện chủ yếu là xe máy nối đuôi nhau trên lòng đường, vỉa hè, chờ đón học sinh, khiến con phố dài Lò Đúc bị ách tắc. Đúng giờ, cổng trường mở, học sinh ào ra đường nhớn nhác tìm người thân, chạy nhảy, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông trên đường, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao.
Đó chỉ là hai ví dụ về tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông tại nhiều cổng trường học trên địa bàn Thủ đô.
Bà Đỗ Phương Lan, nhà ở gần Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân bức xúc: Thời điểm tan trường cũng là lúc tuyến đường Lò Đúc ách tắc nhất. Tất cả các phương tiện đều phải đi chậm, nhiều chủ phương tiện ý thức kém bấm còi inh ỏi khiến tuyến phố thêm huyên náo, lộn xộn. Trong khi đó, các em ùa ra, len lỏi giữa dòng phương tiện đông đúc để tìm người thân, rất nguy hiểm.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền một số phường, xã đã kết hợp với nhà trường cắt cử người hướng dẫn, phân luồng giao thông từ xa. Tuy nhiên, số học sinh quá lớn trong khi nhiều con phố lại nhỏ nên tình trạng ùn tắc, lộn xộn giao thông vào thời điểm tan trường vẫn xảy ra.
Để thoát cảnh tắc đường, nhiều phụ huynh học sinh đã tranh thủ "cướp đường" bằng việc chở con đi tắt, ngược chiều, có phụ huynh chở ba, bốn cháu trên một xe, không đội mũ bảo hiểm, nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.
Câu chuyện ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở các cổng trường tại Hà Nội không mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Hệ quả của ùn tắc giao thông là tốn thời gian, ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh là rất lớn. Một phần nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại cổng trường do chính cha mẹ học sinh gây ra.
Cha mẹ chính là tấm gương
Hiện nay, ở Hà Nội chỉ có ít trường bố trí xe đưa đón học sinh hàng ngày. Phần lớn cha mẹ học sinh đưa đón các em bằng xe máy hoặc ô tô. Việc đưa đón con bằng phương tiện cá nhân đã tạo ra áp lực giao thông chung cho Thủ đô.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, cha mẹ chính là tấm gương về việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông cho các em. Cha mẹ chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, các con sẽ học tập và làm theo; nếu ngược lại rất có thể đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông sau này của các con. Do vậy, cần thiết phải nâng cao ý thức cho chính cha mẹ học sinh bằng hành động cụ thể, đơn giản nhất là chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi đưa đón con.
Muốn nâng cao ý thức chấp hành giao thông hay nói rộng hơn là văn hóa giao thông, cũng cần có môi trường, điều kiện phù hợp. Nhìn ra các nước, như ở Nhật Bản, cha mẹ học sinh đều để các em tự đến trường bằng cách đi bộ, đi xe đạp và phương tiện công cộng, chứ không đưa, đón như ở nước ta.
Nhưng tại Thủ đô hiện nay, nhiều tuyến phố đã không còn vỉa hè, trẻ em khó có thể tự đi bộ tới trường, vì vậy các bậc cha mẹ thường phải đón, đưa. Trong khi đó, đa số các trường, kể cả trường chuẩn, trường điểm... cũng không có không gian riêng để cha mẹ có thể chờ đón con, đành phải đứng trên lòng đường.
Giờ tan học, mỗi trường có tới cả nghìn học sinh cùng ùa ra và cũng là chừng ấy số phụ huynh chờ đón con em mình ngoài cổng trường, đó chính là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Với hạ tầng như hiện nay, tình trạng ùn tắc trên đường phố Hà Nội sẽ vẫn tiếp diễn.
Nên chăng, ngành Giáo dục Thủ đô áp dụng thí điểm mỗi khối có một giờ tan lớp khác nhau, để giảm áp lực giao thông cùng một thời điểm. Về phía cha mẹ học sinh khi đưa, đón con tới trường, cũng cần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông.