Ngày càng nhiều cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) được thành lập, góp phần giúp NKT cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để NKT có việc làm ổn định, đòi hỏi họ phải nỗ lực rất lớn, vượt lên chính mình, đồng thời, cũng đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động khuyết tật có sự cảm thông và tạo điều kiện tốt.
Có việc thì lương thấp
Chị Lê Thị Huyền, người làng Lê Sáng, xã An Hồng, huyện An Dương, bị liệt một chân từ bé. Năm nay chị 42 tuổi, chưa lập gia đình, sống với bố mẹ đều đã gần 80 tuổi. Cả nhà 3 miệng ăn chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi của bố, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Huyền quyết định tìm việc. Nhưng bao năm không có nghề nghiệp, đến lúc tìm việc, Huyền rất khổ sở vì không biết làm việc gì. May mà năm 2006, chị được người giới thiệu vào Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ An Dương. Vì đi lại khó khăn, chị nhờ người mang hàng về nhà làm, sau đó nộp lại sản phẩm cho hợp tác xã. Chị Huyền chia sẻ: “Ở đây, lương tuy không cao nhưng việc đều”.
Chị Đoàn Thị Nga, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ An Dương cho biết: HTX được thành lập từ 2004, đến nay, HTX đã dạy nghề và tạo việc làm cho 60 người khuyết tật (trong đó 80% là khuyết tật vận động, còn lại là khiếm thính, câm). Trước khi vào HTX, chị em chỉ ở nhà làm nội trợ. Khi vào đây, nhiều người đã thôi không phải làm công việc nặng nữa, sức khỏe khá hơn.
Những năm qua, cơ hội việc làm cho NKT ngày càng nhiều hơn bởi sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chính sách và sự ra đời của các tổ chức tự lập của NKT. Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và NKT (VABED) đã thành chiếc cầu nối cho NKT có việc làm. Sau 7 năm thành lập, đến nay, VABED đã có 424 hội viên, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 NKT. Các cơ sở này còn đào tạo cho khoảng 20.000 NKT ra làm ở các doanh nghiệp ngoài VABED.
Tuy nhiên, theo VABED, phần lớn các doanh nghiệp vẫn ngại nhận NKT vào làm việc. Do vậy, hiện nay, NKT chủ yếu vẫn làm việc trong những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ do NKT mở ra, hoặc làm ở các doanh nghiệp khác nhưng phải chấp nhận lương thấp. Mức lương khởi điểm có khi chỉ là 500.000 đồng/tháng.
Rào cản khi học nghề
Một trong những trở ngại đối với NKT trong quá trình tiếp cận việc làm lại chính là nhận thức của bản thân họ và gia đình. Theo chị Đoàn Thị Nga, đa số NKT vốn mặc cảm về sự khuyết tật của mình nên rất ngại khi đi học nghề, không tự tin là mình có thể làm việc tự nuôi sống mình và gia đình. Suy nghĩ đó khiến nhiều NKT chùn bước không muốn đi học.
Bên cạnh đó, hầu hết gia đình NKT là các hộ nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên có những nhà, người thân không khuyến khích con, cháu đi học nghề mà chỉ muốn NKT ở nhà để giữ nhà và làm việc nhà cho mọi người đi làm. Chị Phạm Thị Út, chủ cơ sở khảm trai "Thắp sáng niềm tin" của NKT (Thanh Oai, Hà Nội) kể: Có đợt xưởng mình nhận 2 người học việc. Không lấy tiền học phí, nguyên liệu, chỉ thu 300.000 đồng/tháng tiền ăn ở, sinh hoạt phí. Thế nhưng chỉ được 2 tháng, bị gia đình nói ra nói vào, cuối cùng, cả hai đều bỏ dở.
Để khuyến khích NKT học nghề, ở một số địa phương đã lập CLB phụ nữ khuyết tật. "Nếu được học nghề, được tiếp xúc với mọi người, NKT xóa được mặc cảm và tự tin hơn trong cuộc sống. Mình vận động chị em tham gia vào CLB để họ thấy người khác cũng học được nghề, có việc, để chị em học tập nhau", chị Nga nói. Hiện nay, theo chị Nga, việc thêu đan hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang rất cần lao động. Lực lượng lao động khuyết tật ở nông thôn rất đông nên HTX đã đi xuống tận nhà NKT để dạy nghề cho họ.
Theo Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD), tháng 10/2010, Bộ Nội vụ đã ra quyết định thành lập Liên hiệp hội về NKT Việt Nam. Liên hiệp hội sẽ gồm 2 nhánh, một nhánh là "của người khuyết tật", một nhánh là "vì người khuyết tật". Hy vọng, sau khi có Liên hiệp hội, sự chỉ đạo, và tạo điều kiện cho các địa phương có các tổ chức "vì" và "của" người khuyết tật sẽ mạnh hơn, đem lại nhiều cơ hội hơn cho NKT, trong đó có học nghề, tìm kiếm việc làm.
Mạnh Minh