Đường hạnh phúc Lũng Luông

Giữa cái nắng chói chang của mùa hè, các chiến sỹ Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) đang miệt mài hạ đèo, mở đường để hộ dân ở bản Lũng Luông đi lại thuận lợi và giao lưu với bên ngoài. Lá cờ Tổ quốc cắm ở lưng chừng núi tung bay trong gió, các anh đang hì hục phá từng tảng đá vôi, để biến mơ ước bao đời của đồng bào dân tộc Nùng trở thành hiện thực.

Tình quân dân

Từ trung tâm xã men theo đường mòn của ruộng, chúng tôi đi bộ hơn ba mươi phút mới vào tới điểm dựng lán trại của các chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ hạ đèo Lũng Luông. Bản Lũng Luông thuộc xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) nằm sâu trong thung lũng, bao quanh là núi, muốn sang bên này để ra trung tâm xã thì phải vượt đèo mất khoảng 30 phút. Vào mùa mưa, đường trơn trượt, người có việc cần mới lặn lội ra khỏi bản. Đời sống khó khăn, người dân chỉ làm nương trồng ngô, quanh năm suốt tháng chủ yếu lương thực là ngô đủ món. Ở bản chỉ đủ điều kiện mở lớp mầm non, lớp một và lớp hai, các em học sinh từ lớp 3 trở lên phải ra trường trung tâm xã học. Trường không có chế độ nuôi học sinh bán trú, các em phải dậy từ 5 giờ sáng vượt núi đi học con chữ, chiều muộn lại rồng rắn về nhà. Trời mưa gió đành phải bỏ học…

Các chiến sĩ tham gia phá đá mở đường Lũng Luông.


Theo UBND Vạn Linh, điều kiện để xã đạt nông thôn mới là phải có đường vào bản Lũng Luông, vì vậy xã đã nhiều lần đề nghị lên huyện, huyện lại kiến nghị lên tỉnh. Tỉnh muốn, nhưng không doanh nghiệp nào dám đứng ra nhận làm, vì phá núi đá mất quá nhiều công sức, mà khoản tiền đầu tư có hạn. UBND tỉnh Lạng Sơn suy tính, bàn bạc, rồi cũng nghĩ ra cách nhờ Sư đoàn 3 là đơn vị đóng trên địa bàn, bỏ công sức để làm đường, giúp nhân dân Lũng Luông mở mang dân trí, phát triển kinh tế dần vươn lên thoát nghèo. Xác định phá đá vôi khoảng hơn ki lô mét rồi san phẳng làm đường là nhiệm vụ quá khó, nhưng nghĩ đến việc nhân dân có đường để đi, các em học sinh sẽ có đường tới trường thuận lợi, thầy cô giáo mang con chữ vào bản đỡ phần gian nan thì tập thể cán bộ, chiến sỹ đều đồng lòng nhất trí “vì dân, quyết tâm làm”.

Kế hoạch “Công trình hạ đèo Lũng Luông” được xây dựng và thực hiện. Ngày 28/2/2015, hơn 110 cán bộ, cán bộ và chiến sỹ Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng khoác quân trang hành quân vào, san mặt bằng hạ trại. Ngày 12/3, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, nhân dân, các chiến sỹ khởi công. UBND xã Vạn Linh đã phát động phong trào “Một gia đình 15 kg củi” để các chiến sỹ có đủ chất đốt trong thời gian dài, dầm mưa dãi nắng mở đường. Người dân Lũng Luông mỗi hộ góp 3 bơ lạc, cả bản góp 500 cây tre để dựng lán, làm chuồng nuôi lợn, gà và rào vườn rau… Chính quyền xã, huyện và trường học thường xuyên đến giao lưu, động viên, ủng hộ lương thực thực phẩm.

Bộ đội tham gia giúp hộ ông Nông Đức Quyền cày bừa, làm đất sản xuất.


Ông Nông Đức Quyền là người tiên phong chuyển từ bản Lũng Luông ra chân núi nơi đầu đường đi trung tâm xã, rồi mua đất dựng nhà và trồng trọt, chăn nuôi. Bộ đội về mở đường cho dân bản, ông rất vui, phất khởi, vì bà con sẽ không bị cô lập nữa. Ông Quyền cho bộ đội mượn nhà để ở, dành 3 sào ruộng cho bộ đội trồng rau và chăn nuôi, phục vụ thức ăn tại chỗ. Người dân trong bản đi chợ về qua, thấy bộ đội làm vất vả thì có gói bánh, cân hoa quả cũng mời “bộ đội ăn cho khỏe và cố gắng giúp dân bản nhé”.

Giờ nghỉ lao, anh lính trẻ Hoàng Văn Chương lau mồ hôi trên trán, chia sẻ: “Ở nhà cùng gia đình, tôi được cha mẹ và anh chị đùm bọc, lo lắng, về thấy bà con dân bản nghèo khổ, khó khăn thì thương. Thời bình, thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân mở đường, tuy vất vả nhưng tôi thấy vinh dự và tự hào”. Tình cảm của nhân dân dành cho bộ đội, quân đội vì nhân dân được vun vén và tin yêu “quân dân như cá với nước”.

Mở đường “lấy vợ”

Đứng phía dưới nhìn lên ở lưng chừng núi, chỉ tay nơi các anh bộ đội đang phá đá mở đường, Chủ tịch UBND xã Ma Văn Thoa nói “mở con đường này, trai bản Lũng Luông sẽ dễ lấy vợ”. Chuyện nghe đùa mà thật, con gái đến tuổi 18 đa phần thoát ly làm ăn xa và lấy được chồng, còn nam thanh niên ở nhà khó lấy vợ vì bị chê đường vào bản quá vất vả.

Ông Nông Đức Quyền cho biết, bản Lũng Luông có một số thanh niên ngoài 30 tuổi nhưng chưa lấy được vợ, hoặc vợ bỏ. Trường hợp Hà Văn Ngòa, lấy vợ khác huyện cách bản 10 km, ở với nhau được một năm thì cô vợ bỏ về nhà bố mẹ đẻ, vì chê gia đình Ngòa nghèo, đường đi ra vào bản khó khăn. Ngậm ngùi nhìn vợ bỏ về, Ngòa đành chịu, hoàn cảnh gia đình và dân bản nó vậy, có thay đổi được đâu… Ông Quyền cũng kể thêm trường hợp, cô gái ở bản đi làm công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, gặp chàng trai tốt bụng rồi họ yêu nhau, nhà trai ở dưới xuôi lên có lời dạm hỏi, thấy khó khăn đi lại nên xin gia đình nhà gái cưới luôn. Nhiều câu chuyện hay lắm, nhưng ông Quyền xua tay bảo đó là quá khứ, sắp tới có đường nhựa đi lại thuận lợi thì chuyện trai bản khó lấy vợ sẽ không còn nữa.

Quá trưa, Ban chỉ huy đơn vị trên công trường cử cán bộ lấy xe tải chở chúng tôi ra tới trung tâm xã. Ngồi trên xe gập ghềnh, lắc lẻo, nhìn về phía đèo Lũng Luông đang thi công tôi nhớ câu nói của thượng úy Lưu Xuân Cung, phó chỉ huy công trường “anh em cán bộ, chiến sỹ sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công để đầu năm 2016 nhân dân sẽ có con đường đi”. Xa xa, tôi quay lại nhìn, lá cờ Tổ quốc phất phới bay trên lưng đèo Lũng Luông, nơi ấy sẽ khắc ghi mãi “con đường hạnh phúc quân dân”…
Việt Hoàng
Động thổ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bằng vốn xã hội hóa
Động thổ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bằng vốn xã hội hóa

Ngày 5/7, Bộ GTVT đã động thổ dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn đoạn từ Km 45+100 - Km 108+500 và kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức BOT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN