Ngày 22/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lao động và Xã hội tổ chức hội thảo “Điều trị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động trong tình hình hiện nay”.
Cấp cứu nạn nhân một vụ tai nạn lao động do điện giật tại khu vực quận 1 - TPHCM. Ảnh NLĐ |
Báo cáo tại hội thảo cho biết: Năm 2011 cả nước xảy ra 5.896 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), khiến hơn 6.000 người bị nạn; trong đó có 574 người chết, 1.134 người bị thương nặng. Các địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên… Ngành nghề xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng vẫn là khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị. Chi phí do TNLĐ xảy ra là 298 tỉ đồng, thiệt hại về tài sản là 5,85 tỉ đồng. Theo Cục An Toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh &Xã hội), có tới 30,7% là nguyên nhân gây TNLĐ do từ phía chủ doanh nghiệp, trong khi nguyên nhân từ phía người lao động chiếm 27,4%. Người lao động khi bị tai nạn đều có nhu cầu điều trị để phục hồi khả năng lao động.
Theo PGS.TS Khúc Xuyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học lao động Việt Nam: Việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng máy móc, công nghệ mới, ngoài những mặt tích cực còn tiềm ẩn nguy cơ an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) do kết cấu kích cỡ máy móc không phù hợp với vóc dáng và sức khỏe người Việt. Bên cạnh đó, tư duy và thói quen lao động nông nghiệp của một số lượng lớn lao động có tay nghề thấp chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Ngày nay, phục hồi chức năng không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn là mang khía cạnh nhân lực, kinh tế lớn lao nhằm tạo mọi thuận lợi cho người khuyết tật thích ứng, khắc phục tình trạng khiếm khuyết, giảm hụt chức năng khuyết tật cùng hậu quả của chúng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần đưa nội dung ATVSLĐ vào chương trình giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp. Tại mỗi doanh nghiệp cần có và hoàn thiện bộ máy làm công tác ATVSLĐ, thực hiện đo kiểm môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền, chia sẻ thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của vấn đề bảo vệ sức khỏe người lao động; phát triển bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hình thành quỹ bồi thường TNLĐ và nâng cấp hệ thống y tế, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn./.
Trần Xuân Tình