Các trường hợp bị rút danh hiệu gia đình văn hóa kể trên là những hộ đã vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, để xảy ra các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, số đề, trộm cắp, bạo lực gia đình, gây mất an ninh trật tự xã hội địa phương và vi phạm các tệ nạn xã hội khác, đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục nhiều lần nhưng không khắc phục, sửa chữa, gây bức xúc trong cộng đồng.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bạc Liêu cho biết, để xây dựng gia đình văn hóa bền vững, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của xây dựng gia đình văn hoá; xác định xây dựng gia đình văn hoá là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá” ở cơ sở, là nhiệm vụ của cả hệ thống thống chính trị; đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình đi liền với việc tiếp thu những giá trị tiến bộ của gia đình hiện đại. Việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” cần được tiến hành một cách nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn; xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào khác, như xây dựng ấp văn hóa, khóm văn hóa...; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm làm băng hoại giá trị trong gia đình; loại trừ các hủ tục trong đời sống xã hội và các tệ nạn đang diễn ra trong đời sống gia đình.
Tính đến hết tháng 10/2016, tỉnh Bạc Liêu có 193.121/196.400 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 98,3%; 516/518 ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 99,6%; trên 99% quy ước khu dân cư được UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và triển khai; 100% khu dân cư tiên tiến.