Trước đó có tin cả hai người lính đều mất, rồi sau lại tìm thấy họ: Chiến sĩ Quân Giải Phóng Nguyễn Huy Tạo và anh lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa. Còn hơn cả ước mơ, hai người lính ấy và tác giả lại được tái ngộ tại nơi sinh ra bức ảnh. Dưới đây là ảnh và lời kể của người trong cuộc.
Đầu tháng 1/2018, trước lễ kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Võ Nguyên Thủy, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Quảng Trị gọi điện, chính thức mời tôi tham dự buổi lễ. Ông cho biết, hai người lính rất phấn chấn nhận lời hội ngộ và đã ấn định ngày giờ lên đường.
Lòng tôi xốn xang, rất vui không khác gì ngày được nhận lệnh vào Quảng Trị 45 năm trước. Ngày ấy mừng vui và háo hức lắm, đó là niềm vui của một nhà báo trẻ vừa bước ra từ tọa độ lửa Hà Nội với khí thế chiến thắng B52, được hạnh phúc ăn cái Tết hòa bình đầu tiên ở Thủ Đô khi mới lập gia đình, và lại được đi xa, đến vùng Giải Phóng viết tiếp bằng ảnh những trang sử mới... Còn lần này đi là gặp lại cảnh cũ, người xưa tại mảnh đất quật cường ấy từng dồn nén đau thương và mở lòng nhân ái.
Tối 24/1/2018, tôi lên tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ tới Đông Hà. Sáng hôm sau, 25/1, Ông Bùi Trọng Nghĩa từ Thành phố Hồ Chí Minh đáp máy bay ra sân bay Phú Bài, Huế. Mãi đến hôm ấy, Nghĩa và tôi mới thực sự tiếp xúc với nhau. Ông nắm tay tôi, bàn tay nồng ấm chắc nịch của người lính ấy xiết chặt tay tôi hồi lâu, nó nói lên tấm lòng của ông.
Còn với người chiến sĩ Giải Phóng, chúng tôi đã gặp nhau nhờ bài báo của Quốc Nam, Báo Tuổi Trẻ và TV Phố Bolsa nói về Hai người lính trong dịp 30/4/2015. Vào một buổi chiều đầu tháng 5/2015, một chiến sỹ Thành Cổ, Quảng Trị gọi điện thoại tới và muốn gặp tôi nói chuyện. Đúng hẹn, anh đến nhà tôi với một niềm vui cởi mở, anh bắt tay tôi và nói:
- Chắc anh không nhận ra em, nhưng em vẫn nhớ anh dáng cao cao, đội mũ tai bèo, vai đeo máy ảnh trong bộ quần áo Quân giải phóng.
Tôi hơi ngờ ngợ, chỉ đáp lại trong do dự:
- Lâu lắm rồi, vẫn nhận ra nhau thật quí hóa.
Người cựu chiến binh ấy vui vẻ nói tiếp:
- Em đã gặp anh ở chốt Long Quang, Quảng Trị, cũng đã xem triển lãm ảnh chiến tranh của anh vào năm 2007 tại Bảo tàng Cách mạng, thấy ảnh Hai người lính...
- Thế sao khi ấy cậu không điện cho tôi? - Tôi chen ngang hỏi.
- Vâng, lúc ấy em còn trong quân ngũ, ngại, chưa muốn gặp anh. Giờ thì có thể nói với anh, em chính là người trong ảnh. Người lính ấy không chết. Dù là ai, còn sống hay đã chết cũng không quan trọng, cũng không thay đổi được sự thật lúc đó. Nó là bức ảnh lịch sử rồi.
Mấy câu của người cựu chiến binh này vừa nói ra khiến tôi chợt nghĩ tới các liệt sĩ vô danh, họ làm nên lịch sử, nhưng không để lại tên tuổi. Tinh thần ấy của những người lính từng sống chết với Quảng Trị xem ra có lý.
Thế là chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện. Anh cho tôi xem chứng minh thư quân nhân, tên là Nguyễn Huy Tạo. Anh ở chốt Long Quang tới tháng 4/1974 thì được điều ra Bắc vào học tại Học viện Hậu cần, tiếp tục làm việc trong quân ngũ đến lúc về hưu với cấp bậc Thượng tá.
Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Tạo đã cải chính việc nhận diện nhầm anh lính Giải phóng trong ảnh mà báo Tuổi Trẻ đã đăng (người bị nhận nhầm là ông Dương Minh Sắc, quê ở Thạch Thất, Hà Tây đã mất cách vài năm). Còn người lính Sài Gòn, theo ông Tạo kể trên Báo Tiền Phong, nghe nói vấp phải “lựu đạn gài” của phía họ, “đã chết” sau lần chụp ảnh ít ngày.
Dịp 30/4/2017, nữ nhà báo Dương Phương Vinh thao thức “Lướt mạng” thấy Bùi Trọng Nhân nói trên Facebook rằng, người trong tấm ảnh "Hai người lính" là cha mình còn sống. Thế là cô liên hệ với Nhân và hôm sau tức tốc bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, tìm ra ông Bùi Trọng Nghĩa. Người thứ hai trong ảnh xuất hiện liền trong 4 số báo Tiền Phong đầu tháng 5/2017. Bạn đọc và một số doanh nhân thấy hoàn cảnh nhà ông Nghĩa khó khăn, nên đã quyên góp giúp gia đình ông.
Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ngày 22/6/2017, Tổng biên tập Lê Xuân sơn thay mặt bạn đọc và Tòa soạn Tiền Phong đã trao tặng ông Nghĩa 90 triệu đồng; ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Asanzo tặng một TV màn hình phẳng 40 inch và 5 triệu đồng. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thành phố Hồ Chí Minh tặng ông Nghĩa cuốn sách ảnh Ký ức Chiến tranh có bức ảnh Hai người lính mà Bảo tàng hợp tác với tôi, vừa mới tái bản. Món quà bất ngờ này đã giúp ông Nghĩa sửa chữa được căn nhà lụp xụp của mình trở nên khang trang.
Ngay chiều 25/1/2018, chúng tôi đến thăm bà Trương Thị Chiến, người du kích đội mũ tai bèo trong ảnh (hàng đầu, thứ hai từ phải sang - ảnh dưới). Còn người nữ du kích bắt tay anh Lính Cộng hòa là O Chính Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch, năm ấy mới 20 tuổi. O lấy chồng ở Gio Linh. Đến hôm nay chúng tôi mới biết tên hai nữ du kích này.
Đối với Nghĩa đây là cuộc gặp bất ngờ. Rồi lại bất ngờ hơn, người mà Nghĩa bắt tay thuở thiếu thời, theo bà Chiến kể, thì vừa mất cách đây mấy năm. Trong khi đó tấm ảnh người con gái mảnh mai năm xưa nắm tay ông vẫn trong trẻo như pha lê, vẫn mỉm cười trước mắt ông. Nghĩa cẩn thận ký tên vào lề ảnh làm kỷ niệm cho bà Chiến, và gần như ông không dám nhìn lâu hình ảnh hai cô du kích trẻ trung ấy. Dường như có gì đó còn khó nói và sâu lắng hơn cả nỗi buồn phảng phất quanh câu chuyện bà Chiến kể.
Hình ảnh bàn tay O Chính trong tay Nghĩa còn đây, lúc ấy có ý nghĩa gì, và giờ đây có ý nghĩa gì? Nhìn ngôi nhà bà Chiến cũng đơn sơ như các ngôi nhà của mọi người quanh vùng, bà bị bệnh tim ốm yếu, cũng yếu như bà Xuân vợ ông Nghĩa, khiến ông bớt mặc cảm về gia cảnh nhà mình. Ông bâng khuâng chia tay bà Chiến, lặng lẽ lên xe. Tôi hỏi, Nghĩa có tin tức gì về mấy lính Cộng Hòa trong ảnh không. Ông lắc đầu, sau năm 1975 mỗi người một phương, không gặp lại nhau. Có lẽ trong bóng hoàng hôn tịch mịch, nỗi buồn chiến tranh lại trỗi dậy trong ông.
Nhưng đêm hôm đó trên mảnh đất Quảng Trị bình yên, ông Nghĩa lại ngủ được, không mất ngủ như ở nhà. Ông với tôi nghỉ cùng phòng, ông kể, hàng xóm đi vắng, nói ông trông nhà hộ qua đêm là họ yên tâm.
Tối 25/1/2018, ông Nguyễn Huy Tạo cùng Đại tá Trần Long, thủ trưởng cũ của đơn vị thời chinh chiến ở Thành Cổ Quảng Trị lên tàu từ Hà Nội vào. Sáng hôm sau mới đến Quảng Trị, chậm một hôm so với chúng tôi, do ông có buổi lễ đưa Chân linh mẹ lên chùa. Khoảng 4 giờ sáng, ông Nghĩa và tôi ra ga Đông Hà đón hai ông. Đây là giờ phút đầu tiên sau 45 năm Hai người lính ấy mới gặp lại nhau.
Ngay buổi sáng hôm đó, chúng tôi ba người của thuở xa xưa đã trở lại chốt Long Quang. Nơi mà máy bay B52 dội bom nhiều lần, pháo kích của hai phía chà đi sát lại phạt trụi cây cối, còn lại là cánh đồng hoang đầy cỏ dại lòa xòa mặt đất; thì nay là những vạt cây đước, cây dương, cây si nối tiếp nhau thành cánh rừng non tít tắp. Đi cùng chúng tôi có ông Phan Tư Kỳ, Xã đội trưởng du kích và ông Lê Quốc Thạnh cũng là du kích những năm 1972, 1973. Nguyễn Huy Tạo đi trước, Tạo ngó nghiêng nhận diện khu vực, định vị nơi đóng quân, chỉ cho những người đi cùng chỗ phân chia ranh giới. Rồi ông vui mừng reo lên “Đúng đây rồi!”.
Các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh, quay phim đến tận nơi này đều muốn có hình ảnh tương tự như ngày trước của Hai người lính để câu chuyện khép tròn có hậu. Tôi thì hơi khác một chút, tôi muốn một lần nữa kiểm chứng, xem lại có đúng người, đúng cảnh hay không? Có gì giống xưa và khác xưa?...
Thấy hai ông Tạo và Nghĩa hào hứng nắm tay nhau, bá vai nhau hòa vui với những người đi cùng, thế là tôi bấm máy. Tiếng máy chờ đợi sau 45 năm của tôi đã vang lên rất nhẹ, Khuôn hình hai cựu binh ấy được thu vào ống kính tự nhiên, dung dị như chính họ. Đặc biệt độ mở giữa ngón tay cái và ngón liền kề thuộc bàn tay trái của Nguyễn Huy Tạo đặt trên vai Bùi Trọng Nghĩa vẫn y hệt như trong ảnh cũ, nó mở ra một kẽ rộng, đồng dạng không trệu một ly. Và bàn tay Nghĩa đặt lên vai Tạo vẫn khum khum như trước. Tuy họ đã già đi, nhưng ánh mắt, nụ cười của Hai người lính ấy vẫn còn trong trẻo như ngày nào.
Chiều tối hôm đó, cả ba chúng tôi được đến Đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh, liền sau đó tham dự chương trình kỷ niệm mang tên “Khúc ca Hòa bình” tại Quảng trường Giải Phóng. Ba người chúng tôi được mời lên sân khấu giao lưu để Truyền hình Quảng Trị và Truyền hình Khu vực Miền Trung VTV8 phỏng vấn, phát sóng trực tiếp truyền qua 10 đài địa phương, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lúc giao lưu chúng tôi không dấu nổi niềm xúc động nhớ tới một thời máu lửa oanh liệt, nhớ tới đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường. Chúng tôi lòng nhủ lòng, sự hiện diện hôm nay, lời nói hôm nay của chúng tôi là sự ủy thác của những người đã hy sinh. Tôi nhắc tới bạn tôi, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng đã buông tay máy tại Hải Lăng vào ngày giải phóng Quảng Trị 1/5/1972 . Mười phút hiếm hoi trên làn sóng tối hôm ấy lại một lần nữa ngoài ước mong của chúng tôi. Không ngờ ba người trẻ tuối hồn nhiên năm xưa từng bước ra từ ba tọa độ lửa khác nhau lại có chung một phúc phận như vậy!