Còn bảo tồn động vật hoang dã là việc thực hành bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận độc lập cũng góp phần thúc đẩy việc bảo tồn động vật hoang dã. Ngày nay, bảo tồn động vật hoang dã đã trở thành một thực tế ngày càng quan trọng do những tác động tiêu cực của các hoạt động của con người đối với động vật hoang dã.
Cần cụ thể hóa chính sách gây nuôi thương mại
Qua khảo sát thực tế cho thấy, đến nay số lượng các loài động vật hoang dã được gây nuôi tại Nghệ An tương đối đa dạng, lên tới 12.092 cá thể thuộc 2.336 cơ sở gây nuôi. Nhiều loài động vật hoang dã thông thường đã trở thành những mặt hàng có giá trị kinh tế cao như nhung nai và nhung hươu, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Không ít hộ gia đình và cơ sở nhân nuôi phát triển, mở rộng quy mô trở thành những cơ sở tham quan, học hỏi của nhiều đối tượng. Điều đó đã tạo nên một phong trào nhân nuôi động vật hoang dã thông thường tại nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình.
Đề cập về phong trào gây nuôi động vật hoang dã thông thường trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu Đậu Đức Toán cho biết: Cả xã có 20 hộ nuôi nai và hàng trăm hộ nuôi hươu. Từ đặc thù diện tích tự nhiên 3.300ha phần lớn là bán sơn địa, Đảng bộ xã xác định hướng phát triển kinh tế vẫn là nông-lâm nghiệp và chăn nuôi. Trong đó, gây nuôi động vật hoang dã thông thường là một nghề mới, phù hợp với điều kiện của địa phương. Nghề này tận dụng được ưu thế về diện tích tự nhiên lớn và nguồn lao động dồi dào, đem lại thu nhập cao và ổn định đời sống cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,8%. Từ mô hình chăn nuôi gần 80 con nai của trang trại gia đình anh Lê Văn Thắng ở xóm 5, xã đang xúc tiến thành lập Tổ hợp chăn nuôi quy mô tập trung với quy hoạch phù hợp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa giám sát được dịch bệnh. Đồng thời ứng dụng các giải pháp tăng khối lượng và giá trị sản phẩm sản xuất ra và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Tuy vậy cho tới thời điểm này, phần lớn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thông thường tại các địa phương ở Nghệ An chưa có quy hoạch, chuồng trại chưa đúng quy cách, công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa có định hướng cụ thể đầu ra cho sản phẩm. Do đó, để hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã thông thường thực sự trở thành một nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Nghệ An, các nhà quản lý cần sớm đưa ra một chương trình quy hoạch tổng thể với các định hướng phát triển một cách rõ ràng, chi tiết.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 về công tác quản lý nuôi, trồng và khai thác tự nhiên động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã thuộc các phụ lục CITES; báo cáo nuôi động vật rừng thông thường của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cũng đã nêu rõ những bất cập trong quản lý. Đó là theo quy định đối với cơ sở nuôi sinh trưởng, sinh sản các loài động vật hoang dã từ 50 cá thể trở lên phải làm đề án báo vệ môi trường, trong khi đa số người nuôi học vấn thấp nên rất khó thực hiện.
Ngoài 2 cơ sở nuôi động vật hung dữ là Mường Thanh Safari Land và Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn là có phương án phòng ngừa tình huống động vật tấn công người, hoặc thoát khỏi môi trường có kiểm soát. Các hộ gây nuôi thương mại động vật hoang dã thông thường chưa làm được điều này, do trình độ nhận thức và chọn các loài nuôi ít nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, bảo tồn, phát triển động vật hoang dã của đội ngũ cán bộ Kiểm lâm còn hạn chế trong việc nhận dạng loài, môi trường sống và vùng phân bố của các loài…Chẳng hạn như có vụ qua thông tin của người dân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thu giữ được 2 cá thể Cò mua bán trái phép. Nhưng sau thời gian dài để hoàn chỉnh được các thủ tục nhận dạng loài, xác nhận của các cấp chức năng để chuyển cho Vườn Quốc gia Phù Mát tiếp nhận và cứu hộ thì 2 cá thể Cò này đã chết (!)
Ngay cả Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (2007) cũng chỉ nhấn mạnh về xây dựng và phát triển mô hình sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp… Mặt khác mới tập trung nhiều vào quản lý, bảo vệ hoặc ngăn chặn việc săn bắt và buôn bán chim thú rừng, chưa chú ý đến việc khuyến khích gây nuôi, thuần dưỡng động vật hoang dã để trở thành hàng hóa sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Tuy các văn bản được hướng dẫn khá chi tiết về các thủ tục cần thiết, xin phép thành lập trại nuôi, nhưng một số nội dung hướng dẫn nặng về các tiêu chuẩn khoa học, chưa phù hợp với đại đa số trình độ của người nông dân. Các chính sách của Nhà nước chưa đề cập đến việc hỗ trợ các hộ gây nuôi động vật hoang dã thông thường về kinh phí để mở rộng sản xuất, nhằm mục đích sản xuất ra nhiều con giống, đáp ứng nhu cầu của các hộ chăn nuôi động vật hoang dã thương phẩm. Từ đó có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ các loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên.
Sửa đổi và bổ sung chế tài phù hợp
Từ năm 1994, Việt Nam đã tham gia vào Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Để thực thi Công ước này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Cơ quan quản lý CITES đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Tuy vậy, qua đánh giá của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, việc quản lý, kiểm soát nguồn gốc giống, cá thể động, thực vật hoang dã nguy cấp được gây nuôi còn chưa chặt chẽ. Việc kiểm soát, mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu động thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp còn gặp nhiều khó khăn. Xử lý tang vật còn nhiều bất cập, khâu giám định mẫu vật còn nhiều hạn chế. Nguồn lực thực thi Công ước CITES còn hạn chế về nhân lực, tài chính…
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng cho rằng: Pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam tuy đã cơ bản đầy đủ, nhưng còn tản mạn và thiếu tính hệ thống. Các quy định về bảo tồn động vật hoang dã nằm rải rác trong các văn bản khác nhau nên khó tránh khỏi sự chồng chéo, khó khăn trong quá trình áp dụng. Ví dụ hiện nay đang tồn tại rất nhiều Danh mục động vật hoang dã trong các văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý khi áp dụng vào thực tế.
Ông Trịnh Lê Nguyên-Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên khẳng định: Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã có ý nghĩa đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, chứ không thay thế được các điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ động vật hoang dã, như Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Bộ luật hình sự. Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét, đề xuất đánh giá, sửa đổi các văn bản luật liên quan theo hướng chặt chẽ hơn, bổ sung chế tài cho phù hợp với thực tế hoạt động gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam.
Theo đó, phải tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật để kiểm soát việc gây nuôi động vật hoang dã trái phép và không bền vững. Bao gồm đào tạo về nội dung và các mục tiêu của các Nghị định liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã; Rà soát, điều chỉnh hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và bảo vệ các loài động vật hoang dã để xóa bỏ các lỗ hổng, chồng chéo và bất cập. Bên cạnh đó cần có sự rõ ràng trong phân công trách nhiệm thực hiện hiệu quả công tác nay trong hiện tại và tương lai.