Dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng hiện nay ghép tạng Việt Nam đã đạt được một số thành tựu tương đương với các nước có nền y học hiện đại.
Nhiều dấu mốc lịch sử
Mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành ngoại khoa, ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng ca ghép thận đầu tiên được thực hiện vào ngày 4/6/1992 tại Bệnh viện (BV) 103. “Đây là ca ghép tạng đầu tiên của ngành y Việt Nam được thực hiện trong điều kiện vô vàn khó khăn về kỹ thuật và trang thiết bị. Thế nhưng, vượt lên những khó khăn đó, đội ngũ y, bác sỹ của Học viện Quân y đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên thành công tốt đẹp”, GS.TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, cho biết.
Hút dịch, điều trị cho bệnh nhân sau ghép thận. Ảnh:hữu oai - ttxvn |
Từ thành công này, nhiều ca ghép thận khác đã được thực hiện ở nhiều BV khác như: BV Chợ Rẫy (năm 1992), BV Việt Đức (2000), BV Huế (2001), BV Nhân dân Gia Định (2002), BV 115 (2004), BV Nhi Trung ương (2004), BV Nhi Đồng 2 (2004), BV Bạch Mai (2005), BV Đà Nẵng (2006), BV Kiên Giang (2007) và BV 198 (2008). Mặc dù có nhiều BV thực hiện ghép thận, nhưng số bệnh nhân được ghép hàng năm còn rất khiêm tốn.
Sau 12 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, năm 2004, cũng đã trở thành mốc lịch sử mới trong ngành ghép tạng Việt Nam khi ca ghép gan trên người đầu tiên được thực hiện thành công tại Học viện Quân y. Sau đó, ghép gan được thực hiện ở một số bệnh viện như: BV Nhi Trung ương, BV Nhi Đồng 2, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy...
Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt phát triển đặc biệt của ghép tạng Việt Nam khi hai quả thận của người hiến chết não đầu tiên được thực hiện thành công tại BV Chợ Rẫy vào ngày 11/2/2010. Tiếp đó, ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở BV Việt Đức và ca ghép tim từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện thành công tại Học viện Quân y. Đặc biệt, ngày 14/3/2011, BV Việt Đức đã lấy đa tạng của một bệnh nhân chết não và cùng một lúc tiến hành độc lập 3 ca ghép: Tim, gan, thận cho 4 bệnh nhân.
Thiếu nguồn hiến tạng
Theo thống kê của ngành y tế, chỉ trong 3 năm (2010 - 7/2013), cả nước ghép được 10 ca tim, 12 ca gan và hơn 400 ca thận. Chỉ riêng BV Việt Đức, trong 3 năm qua đã lấy tạng của 16 bệnh nhân chết não để ghép cho 12 ca gan, 7 ca tim và 32 ca thận. Điều đáng nói là sau các ca ghép này, người được ghép sống thêm được từ 1 - 5 năm (tương đương như các ca ghép trên thế giới) và không xảy ra tai biến cũng như biến chứng trong, sau mổ. Thậm chí, ca ghép thận sống lâu nhất đã bước sang năm thứ 21 và ca ghép gan đầu tiên bước sang năm thứ 10.
Tuy nhiên, có một vấn đề không giải quyết được và trở thành một cản trở lớn nhất của ghép tạng hiện nay ở Việt Nam là thiếu nguồn cho tạng. Theo GS.TS Phạm Gia Khánh: “Cản trở lớn nhất của ghép tạng hiện nay là thiếu người cho tạng, đặc biệt là từ người cho chết não. Chúng ta đã có luật về hiến tạng từ người cho chết não đã được Quốc hội thông qua từ năm 2006, song đến nay số người hiến tạng chết não rất ít. Điều này do ảnh hưởng tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân. Để làm tốt vấn đề này, cần phải làm tốt công tác truyền thông, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết và ủng hộ. Mặt khác cần phải có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng đối với người hiến tạng”.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, những thành công từ ghép tạng đã đưa thành tựu y tế Việt Nam lên tầm cao mới, đánh dấu bước ngoặt mới trong việc tiếp cận với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, để ngành ghép tạng có thể phát triển thì cần có nguồn hiến tạng. Ngành y tế đang rất nỗ lực trong việc ban hành chính sách, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân ủng hộ việc hiến tạng.
M.Thuyết