Nước lũ lên nhanh khiến hàng trăm hộ dân mắc kẹt, tài sản bị nhấn chìm. Các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã và đang nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
"Rốn lũ" ngập chìm trong biển nước
Trong tối 29, rạng sáng 30/11, người dân nhiều xã tại "rốn lũ" phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai như thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và Krông Pa choàng tỉnh giấc vì nước lũ lên nhanh. Nhiều người dân ở khu vực nương rẫy là các bãi bồi giữa dòng sông Ba bị mắc kẹt, không kịp chạy lũ.
Khu vực bãi bồi giữa sông Ba - đoạn chảy qua xã Chư Gu và Chư Drăng, nhiều năm gần đây là nơi trồng dưa hấu của các hộ dân từ Bình Định lên. Khác với mọi năm, lũ năm nay về muộn khiến các hộ trồng dưa không đề phòng.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pa, cho biết: Trên địa bàn có 15 hộ dân từ Bình Định lên trồng dưa hấu ở khu vực bãi bồi giữa lòng sông Ba. Nước lũ lên nhanh nên họ bị mắc kẹt.
Tại thị xã Ayun Pa, nước lũ cũng khiến 14 nông dân tại Tổ 9 (phường Đoàn Kết) không kịp trở về nhà. Nhiều tài sản của người dân tại đây bị lũ nhấn chìm. Đây là khu vực người dân trồng rau màu, hoa chuẩn bị Tết... lũ lên khiến nhiều hộ dân thiệt hại trăm bề.
Khuôn mặt bơ phờ vì mệt, bà La Thị Dầu cho biết: Mọi năm nước lũ lên chậm nên chúng tôi chủ động di tản tài sản được, nhưng năm nay nước lũ lên nhanh quá nên chúng tôi không kịp trở tay. May nhờ có lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ di tản người và tài sản đến nơi an toàn.
Phía bên kia sông, các xã Ia Broăi, Ia Trôk, Ia Tul của huyện Ia Pa cũng chung tình cảnh. Nhiều hộ dân đã không kịp trở tay để di dời tài sản đến nơi an toàn. Một phần vì chủ quan, phần vì nước lũ lên nhanh. Theo ông Huỳnh Văn Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Pa, cho biết: Hiện nước lũ đã làm ngập nhiều nơi, nặng nhất là các xã Ia Trôk, Ia Broăi và Ia Tul. Huyện đang huy động các lực lượng để di tản người và tài sản cho người dân.
Nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng người dân
Ngay trong tối 29, rạng sáng 30/11, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai cùng các huyện phía Đông Nam tỉnh đã triển khai cứu hộ, kịp thời di dời người dân bị cô lập đến nơi an toàn.
Tại huyện Krông Pa, theo ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, trong sáng 30/11, đã có 15 người dân từ Bình Định lên trồng dưa tại khu vực bãi bồi trên sông Ba thuộc xã Chư Gu được cứu hộ an toàn. Dù nước lũ chảy xiết, gây rất nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ, nhưng các lực lượng đã thực hiện thành công công tác cứu hộ.
Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều phương án để di tản tài sản của các hộ dân này, hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã nằm dọc sông Ba tiến hành rà soát, kiểm tra những khu vực ngập lụt, nguy cơ ngập lụt để tiến hành di tản người và tài sản đến nơi an toàn.
Tại thị xã Ayun Pa, ngay trong sáng 30/11, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã huy động xuồng máy tiến hành cứu hộ thành công 14 người dân bị mắc kẹt tại khu vực canh tác thuộc Tổ 9, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa. Trung tá Đậu Văn Huy, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai), cho biết: Đon vị đã cử 30 chiến sĩ phối hợp với thị xã Ayun Pa tiến hành cứu hộ, đưa 14 người dân đến nơi an toàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dù gặp rất nhiều khó khăn như địa hình nhiều hệ thống dây điện, khu vực cứu hộ nằm giữa luồng nước chảy xiết... nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực, đảm bảo di dời người dân đến nơi an toàn.
Còn tại huyện Ia Pa, lực lượng chức năng của huyện cũng đã tiến hành cứu hộ, cứu nạn thành công trên 20 người dân, chủ yếu là người già và trẻ em trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Ông Huỳnh Văn Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Pa, thông tin: Huyện đang triển khai các xuồng máy rà soát các khu vực ngập lụt, tiếp tục di tản người và tài sản đến nơi an toàn. Đến trưa 30/11, địa phương vẫn đang thực hiện tốt các phương án phòng, chống bão lũ, người dân tại khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ ngập lụt đã được di tản đến nơi an toàn.