Do nắng nóng kéo dài, nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân sống phân tán tại các xã ven biển tỉnh Bến Tre thiếu nước ngọt trầm trọng và đang phải mua nước với giá từ 60.000 - 75.000 đồng/m3 , thậm chí cao hơn. Chắt chiu từng ca nước Khoảng 9 giờ sáng, dưới cái nắng như thiêu đốt ở các xã vùng ven biển, anh Lê Văn Tài, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri nhận được cuộc điện thoại gọi nước của khách hàng ở gần bãi biển cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, cách nhà anh khoảng 5km. Vừa nghe xong, anh vội lên xe để chở nước. Anh chia sẻ việc gì chậm thì được chứ chở nước thì không thể bởi trời nắng nóng mà hết nước thì bà con khổ lắm.
Người dân bơm nước vào bể để tích trữ, sử dụng. |
Để đưa nước đến cho khách, anh Tài sử dụng xe máy cày chở hai bồn, mỗi bồn chứa 1 m 3 . Nhưng do đường xa, lại gồ ghề nên trên đường đi, nước tràn ra bên ngoài và thất thoát khá nhiều. “Chạy xe này cực dữ lắm, trời thì nắng nóng mà đường sá thì ổ gà ổ trâu nhiều, rồi 4 - 5 chiếc cầu bắc qua, mỗi lần xe bị xóc là nước đổ ra ngoài, dù đậy nắp bồn kỹ thì nước vẫn cứ đổ”, anh Tài than thở.
Chiếc xe cọc cạch của anh Tài mất khoảng nửa tiếng đồng hồ mới đến được bãi biển. Tại đây, khách hàng của anh đã chuẩn bị sẵn một bể chứa với dung tích 1,8m 3 . Sau khi cắm điện, mô- tơ chở sẵn trên xe nước bơm thẳng nước vào bể. Giá mỗi khối là 60.000 đồng. Anh Tài chặc lưỡi: “Tùy đường xa gần, có chỗ xa còn đắt hơn”.
Tại một số xã ven biển của huyện Bình Đại như Thới Thuận, Thừa Đức, nhiều hộ dân phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 - 75.000 đồng/m3 , cá biệt nhiều nơi do quá xa, giá mỗi khối nước ngọt lên đến 100.000 đồng mà không phải lúc nào gọi cũng có ngay.
Anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho biết đã 5 tháng nay trời không mưa, lượng nước ngọt gia đình tích trữ chỉ đủ sử dụng khoảng 2 tháng, sau đó phải mua nước về dùng với giá đắt đỏ như trên. Giá nước cao quá nên gia đình anh chỉ dám sử dụng để nấu nướng, ăn uống. Việc dùng nước tắm giặt đều phải dùng nước giếng khoan, sau đó tráng lại một lần. Khoảng 1 tuần, nhà anh sử dụng hết 2 m 3 nước dù cố gắng tiết kiệm. “Mình tính để nấu nướng, ăn uống nhưng phát sinh dữ lắm. Tắm nước mặn xong cũng phải dội lại bằng nước ngọt chứ không thì rít người. Lợn, bò, gà vịt cũng phải uống nước. Giặt áo trắng cho mấy đứa nhỏ đi học cũng phải sử dụng nước mua, không áo xuống màu, nhanh cũ lắm”, anh Tâm chia sẻ.
Nước máy cũng bị nhiễm mặn Ông Cao Văn Quy, ngụ xã An Thủy, một xã ven biển khác của huyện Ba Tri cho biết gia đình ông đã lắp đồng hồ để sử dụng nước máy được 5 tháng nay. Giá nước khoảng 7.000 đồng/m3. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, nguồn nước máy này cũng bị nhiễm mặn.
Ông Phạm Trung Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre cho biết, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 300.000 hộ dân nông thôn, nhưng chỉ khoảng 70.000 hộ được sử dụng nước máy. Tình trạng thiếu nước ngọt rất gay gắt vào mùa khô, nhất là tại các xã ven biển của hai huyện Bình Đại và Ba Tri.
Cũng theo ông Phạm Trung Tính, vào mùa khô hạn do nước mặn xâm nhập sâu nên nguồn nước cho các nhà máy nước sinh hoạt khu vực nông thôn cũng bị nhiễm mặn, do vậy, nước sạch cấp cho dân bị mặn là điều không tránh khỏi. Người dân cần để dành nước máy (chưa nhiễm mặn) hoặc nước mưa để sử dụng nấu nướng, ăn uống trong mùa nắng.
Mấy năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Bến Tre cũng như nhiều tổ chức từ thiện, xã hội, các chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu… đều dành nguồn vốn hỗ trợ người dân các bể chứa nước ngọt để người dân tích trữ nước mưa, nước chưa nhiễm mặn sử dụng vào mùa nắng. Đặc biệt là các gia đình thuộc diện chính sách, diện nghèo còn nhiều khó khăn tại các khu vực ven biển, vùng sâu vùng xa.
Quote: Nhiều nơi do quá xa, giá mỗi khối nước ngọt lên đến 100.000 đồng mà không phải lúc nào gọi cũng có ngay.
Bài và ảnh: Hưng Thịnh