Gia tăng ca mắc COVID-19, các địa phương lên phương án ứng phó

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.

Chỉ tính riêng trong ngày 8/2, cả nước ghi nhận 21.909 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố; tăng hơn 5.000 ca so với ngày trước đó. Ngày 8/2 là ngày nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa…

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân thành phố Thanh Hóa trong ngày mùng 5 tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Số ca mắc tại nhiều tỉnh tăng đột biến

Tại tỉnh Hải Dương, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng phức tạp khi số ca mắc gia tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Riêng trong ngày 8/2, Hải Dương ghi nhận 1.245 bệnh nhân mắc COVID-19 mới ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Hải Dương có số ca mắc đạt kỷ lục trong 1 ngày. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục xuất hiện nhiều ổ dịch mới.

Cũng trong ngày 8/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 998 ca mắc mới. Trong số đó có 226 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 456 ca ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 316 người đang được cách ly theo quy định. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại Nghệ An, trong những ngày qua tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng rất cao, có ngày tăng đột biến. Trong ngày 8/2, số ca mắc mới của Nghệ An đã lên tới 1.717 ca.

Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa. Đặc biệt tại một số địa bàn (xã, bản) thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022, toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận hơn 670 bệnh nhân mắc COVID-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng).

Nhận dịnh về tình hình dịch đang có xu hướng gia tăng tại nhiều đia phương sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, số ca mắc COVID-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh…

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, người dân còn chủ quan, cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vaccine thì sẽ không bị mắc bệnh, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tình trạng tập trung đông người vẫn xảy ra, nhất là tại các quán cà phê, giải khát, các điểm tham quan du lịch, các nhà hàng, quán ăn…

Số ca mắc tăng cao còn do tại một số địa phương, điển hình là Nghệ An có nhiều doanh nghiệp, trường học, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức xét nghiệm đại trà hoặc đưa ra khuyến cáo, yêu cầu cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh phải chủ động làm xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi đến doanh nghiệp làm việc hoặc đến trường học...

Ngoài ra, một lượng lớn người dân về quê nghỉ Tết, trước lúc trở lại các tỉnh, thành phố khác làm việc cũng đã chủ động đi xét nghiệm để biết kết quả, dẫn đến số ca ghi nhận tăng cao.

Chủ động phòng, chống dịch trong bối cảnh “mở cửa”

Bộ Y tế cho biết, các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc cả nước đang dần “mở cửa” lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.

Vì thế, nếu các địa phương không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng số ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nguy cơ tử vong ngoài ý muốn.

Xác định tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh Bắc Lào vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa. Do đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên vẫn thiết lập, duy trì 69 tổ, chốt trên dọc tuyến biên giới với hơn 440 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nghiêm nhiệm vụ “kép”: Vừa kiểm tra, giám sát đường mòn, lối mở khu vực biên giới nhằm phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch; vừa ngăn chặn tình trạng người dân xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, giữ vững an toàn an ninh khu vực biên giới.
 
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương trong tỉnh cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.  

Trước diễn biến phúc tạp của dịch, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Cùng với đó, kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch tại một số điểm như các quán cà phê, các di tích, điểm du lịch, quán ăn, nhà hàng… trong dịp đầu Xuân; nâng cao năng lực các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở thu dung và điều trị COVID-19, trạm y tế lưu động; triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống dịch đã ban hành, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Ngành y tế Nghệ An tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động lên phương án kịch bản để ứng phó trong tình huống dịch bùng phát mạnh; các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để nhanh chóng khống chế dịch một cách hiệu quả.

Các chuyên gia y tế lưu ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân từ các địa phương trở lại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… bắt tay vào công việc thường nhật. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm COVID-19 và xử trí theo quy định…

TTXVN/Báo Tin tức
Ngày 8/2, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 của Việt Nam tăng cao đột biến lên 21.909 ca
Ngày 8/2, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 của Việt Nam tăng cao đột biến lên 21.909 ca

Tính từ 16 giờ ngày 7/2 đến 16 giờ ngày 8/2, Việt Nam ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng cao đột biến so với những ngày trước. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN