Càng cận Tết, không khí mua sắm tại nhiều tuyến phố ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Hải Dương ngày càng tấp nập và kéo theo đó, tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng, lòng đường biến thành địa điểm kinh doanh trở nên phổ biến.
Những ngày qua, tại các tuyến phố từ Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Đồng Xuân… (thành phố Hải Dương), vỉa hè hầu như đều bị chiếm dụng làm nơi bán đủ loại hàng hóa.
Từ các mặt hàng thực phẩm tươi sống đến các đồ trang trí, phục vụ tiêu dùng dịp tết như: các loại hoa, quả, đào, quất, bánh kẹo, mứt tết, bao lì xì, quần áo, giày dép, túi xách… Không chỉ bày hàng hóa, người bán còn đua nhau dựng biển quảng cáo đủ chủng loại, kích thước hòng lôi cuốn sự chú ý của người đi đường.
Nhiều nơi, các tiểu thương còn lấn cả xuống lòng đường để bán hàng tại các đường Nguyễn Văn Linh, Thống Nhất… Những chợ cóc cũng được dịp bành trướng. Người dân mua bán ngay dưới lòng đường là một trong những lý do khiến giao thông ngày Tết bị ùn tắc, các phương tiện ô tô, xe máy phải chật vật di chuyển.
Mặc dù chợ hoa xuân đã được quy hoạch vào những điểm cụ thể như tuyến đường Tôn Đức Thắng, đường Hoàng Hoa Thám nhưng người bán vẫn đứng tự do ở những trục đường chính, đặc biệt là Thống Nhất, Bạch Đằng- nơi nhiều người qua lại. Trong khi đó, không gian chợ hoa xuân lại vắng vẻ, thừa diện tích bày bán.
Khách mua hàng dừng xe ngay dưới lòng đường để chọn hàng, mua sắm dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ tại các tuyến phố, nhất là vào khung giờ cao điểm. Người đi bộ phải đi dưới lòng đường.
Chị Giang (phố Thống Nhất) than: “Những chỗ bán hàng tự phát kiểu này rất lộn xộn, lái xe qua đây phải đi thật chậm quan sát nhưng vẫn lo vì người bán hàng cứ sang đường rất bất ngờ. Ngày Tết nên xe cộ rất đông đúc và ai cũng vội nên thường đi nhanh, người đi bộ phải đi dưới lòng đường cũng rất dễ bị va quệt”.
Nhằm tăng cường an ninh trật tự và an toàn giao thông dịp Tết, lực lượng cảnh sát trật tự, Phòng quản lý đô thị Hải Dương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, chống lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ trên địa bàn, kiểm tra việc dừng đỗ không đúng nơi quy định, kiên quyết xử phạt những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, dường như các lực lượng chức năng cũng phải bất lực trong việc dẹp các điểm bán hàng tự phát này. Bởi khi lực lượng chức năng rời đi, hàng quán lại tràn ra vỉa hè như cũ.
Thực tế này cũng là tình trạng chung ở trung tâm các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc… Đường tỉnh 391 đoạn qua thị trấn Tứ Kỳ, quốc lộ 37 qua khu vực chợ Cuối (thị trấn Gia Lộc) ùn tắc cục bộ trong mấy ngày gần đây vì nhiều hàng bán hoa quả và các đồ trang trí Tết lấn từ vỉa hè xuống cả lòng đường. Cảnh sát giao thông cũng phải rất vất vả để phân luồng và hướng dẫn giao thông.
Để giảm thiểu những hệ lụy không đáng có từ việc lấn chiếm lòng đường và vỉa hè để kinh doanh, cùng với sự tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, điều quan trọng hơn là sự thay đổi quan niệm mua sắm của đại bộ phận người dân. Chỉ khi nào người dân nhận thấy sự nguy hiểm của việc mua bán dưới lòng đường, vỉa hè tiềm ẩn tai nạn giao thông hoặc những rủi ro vì mất an toàn đối với tài sản cá nhân cũng như sự mất mỹ quan đô thị… thì khi đó, tình trạng này mới có thể chấm dứt.