Hai địa phương có số ca bệnh tăng cao là huyện Cù Lao Dung (tăng từ 2 ca lên 25 ca) và huyện Mỹ Tú (tăng từ 18 ca lên 34 ca). Các huyện, thị xã như Ngã Năm, Châu Thành, Long Phú và Mỹ Xuyên tăng từ 1 đến 6 ca so với cùng kỳ năm 2016.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thanh Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng và tăng cao vào tháng 3, tháng 4. Độ tuổi mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn chủ yếu là trẻ em từ 3- 5 tuổi.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận có ca nặng dẫn đến nguy cơ tử vong. Bệnh nhân đến khám, chữa trị chủ yếu là sốt, nóng, nổi các ban có bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và nổi bọng nước, lở loét ở niêm mạc miệng.
Theo ông Liêm, dấu hiệu nhận biết bệnh đầu tiên là trẻ biếng ăn, đau khóc. Khi thấy trẻ rơi vào trạng thái “chới với”, giật mình lúc ngủ, kết hợp với các biểu hiện sốt, nổi bọng nước là đã có dấu hiệu bệnh nặng, phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu chậm trễ, bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến khó điều trị và nguy cơ tử vong cao.
Hiện nay, các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động điều trị, ngăn ngừa và kéo giảm số ca mắc bệnh tay chân miệng.
Bên cạnh thực hiện công tác báo cáo khẩn cấp, báo cáo hàng ngày và kịp thời tình trạng các ca bệnh, trung tâm y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị trong ngành chủ trương xử lý triệt để từng ca bệnh, từng ổ dịch, bằng các giải pháp: hướng dẫn phụ huynh và những người làm ở cơ sở nuôi dạy trẻ hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh, luôn có bàn tay sạch trong chăm sóc trẻ và chế biến thức ăn; xuống trực tiếp nơi có ca bệnh để điều tra và xử lý, dùng hóa chất khử trùng bề mặt, khử trùng đồ chơi,…
Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh Sóc Trăng cũng triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và cách giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng tránh bệnh tay chân miệng.
Hiện nay, cơ sở vật chất của các bệnh viện lớn của tỉnh đã xử lý được những ca bệnh tay chân miệng nặng mà không cần chuyển tuyến. Các bác sĩ ở đây có thể phối hợp cùng các bác sĩ đầu ngành tại các bệnh viện như bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho bệnh nhân qua hệ thống trực tuyến từ xa.
Với khả năng bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng cao trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Nguyễn Đình Thanh Liêm khuyến cáo người dân nên chú ý đến sức khỏe của trẻ, rửa tay sạch và thường xuyên trước khi tiếp xúc với trẻ. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như đốm đỏ nhỏ, xuất hiện các ban có bọng nước, cần đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.