Số trẻ nhập viện tăng
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (bệnh viện tuyến cuối về chống dịch của Hà Nội), số lượng bệnh nhi phải nhập viện do thời tiết khá đông, các bệnh nhi nằm kín giường, nhiều trẻ sốt, quấy khóc.
Đang bế con trong phòng bệnh, chị Trần Thị Tuyết Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Bé nhà tôi mới được 5 tháng tuổi, trước khi nhập viện, cháu bị ho khan, sổ mũi khoảng 3 ngày thì xuất hiện thở rít nên gia đình vội đưa cháu đến viện khám thì đã được chẩn đoán bị viêm tiểu phế quản và phải nhập viện điều trị. Đến nay cháu đã điều trị được 6 ngày, tình trạng đang cải thiện dần”.
Cũng đang chăm con 27 tháng nằm điều trị tại khoa Nhi, chị Trần Thị Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mệt mỏi cho biết: “Lúc ở nhà cháu ho, sốt cao trên 39 độ, khi tôi đưa cháu đến bệnh viện thì được chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn, viêm phế quản, phải nhập viện điều trị ngay. Sau 2 ngày điều trị cháu vẫn còn sốt, hay quấy khóc”.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 200 lượt thăm khám liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp. Riêng tại Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi nhập viện/ngày do mắc các bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây thời tiết thay đổi liên tục cũng ghi nhận nhiều trẻ phải thăm khám, nhập viện do các bệnh về hô hấp, tiêu chảy. Trung bình mỗi ngày tại khoa Nhi của Bệnh viện có khoảng 80 - 100 trẻ đến khám các mặt bệnh trên.
BS Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Thời tiết thay đổi, nhiệt độ tăng, giảm đột ngột khiến các bệnh về đường hô hấp gia tăng, nhất là viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus, nhất là virus RSV. Nhiều trẻ cũng gặp tình trạng về tiêu hóa như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy… phải khám và nhập viện.
Chia sẻ về tình trạng trẻ nhập viện những ngày gần đây, BS. Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Những ngày gần đây khoa Nhi tiếp nhận số lượng bệnh nhi nhập viện tăng mạnh, thậm chí gấp đôi so với tháng trước. Số lượng bệnh nhi tại Khoa đang dao động khoảng 70 - 80 bệnh nhi/ngày; chủ yếu là mặt bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy; trong đó viêm đường hô hấp chiếm tới 70%. Các bệnh nhi chủ yếu khám và nhập viện với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi; nôn, tiêu chảy… Một số bệnh nhi được đưa đến thăm khám sớm nhưng cũng có những trường hợp đến viện muộn, thậm chí suy hô hấp”.
Theo BS. Nghiêm Thị Mai Sang, nguyên nhân của các trường hợp viêm phổi trẻ em chủ yếu do virus (tới 70%), thường gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp RSV; hoặc do vi khuẩn phế cầu gây ra viêm phổi ở trẻ. Virus thường phát sinh, phát triển ở nhiệt độ, độ ẩm cao; thời tiết như hiện nay đang rất thuận lợi cho các virus này phát triển, vì vậy đã khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm ở trẻ.
“Đặc biệt, virus hợp bào đường hô hấp RSV có thể xâm nhập và gây tổn thương biểu mô đường thở, gây viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp, phù nề dẫn tới khó thở, suy hô hấp ở trẻ”, BS. Nghiêm Thị Mai Sang cảnh báo.
Bên cạnh viêm phổi, viêm phế quản, số trẻ bị sốt và tiêu chảy, nôn cũng gia tăng; căn nguyên chủ yếu được xác định cũng là do virus. Với tình trạng này, trẻ thường đáp ứng tốt khi điều trị đúng, bù điện giải kịp thời cho trẻ; trẻ nhanh hồi phục.
Sớm phát hiện dấu hiệu trở nặng, không tự ý dùng kháng sinh
BS Nghiêm Thị Mai Sang cảnh báo: “Một số trường hợp cha mẹ tự ý điều trị tại nhà không đúng cách đã dẫn đến tình trạng trẻ bị nặng lên, nhiều trẻ khi nhập viện đã trong tình trạng suy hô hấp, thở rít, sốt; một số trẻ còn có tình trạng nhiễm trùng khá nặng do dùng kháng sinh không đúng dẫn tới không kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng. Với những trường hợp này chúng tôi phải cho nhập viện ngay để theo dõi sát tình trạng nhiễm khuẩn. Thực tế cho thấy tỷ lệ cha mẹ tự ý cho con dùng kháng sinh trước khi nhập viện vẫn khá cao mặc dù thời gian trở lại đây tuy xu hướng cho trẻ dùng kháng sinh sớm đã giảm”.
Bác sĩ cũng lưu ý về một số sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ ho, sốt tại nhà; đó là khi thấy trẻ ho, khò khè, các mẹ thường tự ý mua thuốc cho con dùng nhất là thuốc kháng sinh; có thể không đúng loại, liều lượng không chính xác… làm nặng thêm tình trạng của trẻ. Nguy hiểm là nhiều bà mẹ tự ra hiệu thuốc, đọc triệu chứng của con và được hiệu thuốc kê đơn, thậm chí phụ huynh cũng không biết thuốc nào là thuốc kháng sinh. Một sai lầm nữa là khi trẻ có biểu hiện sốt cao, nhiều mẹ hay cho bé chườm bằng nước lạnh cũng rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ bị cảm lạnh.
BS Nghiêm Thị Mai Sang khuyến cáo: Để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa trong giai đoạn thời tiết như hiện nay, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thông thoáng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bé để tăng sức đề kháng.
Đặc biệt, cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu ở trẻ như: Ho, khò khè, viêm long đường hô hấp… Với trẻ có biểu hiện sốt, khò khè, thở rít, cha mẹ cần phát hiện sớm đưa con đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời; tránh diễn biến nặng, suy hô hấp, gây nguy hiểm cho trẻ.