Giải bài toán người dân khó tiếp cận nhà ở tại TP Hồ Chí Minh

Giá nhà ở tại TP Hồ Chí Minh tăng nhanh qua các năm, tuy nhiên thu nhập của người dân lại tăng chậm, thậm chí không tăng khiến người dân khó tiếp cận nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống.

Ngày 17/9, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2035" nhằm tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân thành phố.

Nhà ở cung - cầu lệch pha 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân có căn nhà để ổn định cuộc sống.

Chia sẻ thông tin về thị trường nhà ở tại thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, theo khảo sát, người dân rất mong muốn được thành phố đáp ứng, giải quyết về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Hiện, TP Hồ Chí Minh có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở, 156.000 hộ thu nhập thấp và đến năm 2020, có khoảng 400.000 công nhân làm việc tại 3 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung với nhu cầu cần 280.000 chỗ ở. Ngoài ra, thành phố còn có tới khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư. Do đó, nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao nhưng nguồn cung về nhà ở lại luôn thiếu hụt và không đáp ứng hết nhu cầu của người dân.

Nguyên nhân khiến người dân khó tiếp cận nhà ở xã hội, theo ông Lê Hoàng Châu, thành phố đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có mức giá vừa túi tiền dành cho người thu nhập thấp; thiếu nhà cho thuê giá thấp dành cho công nhân, sinh viên. Mặt khác, giá nhà ở hiện nay tăng cao qua các năm, mỗi năm tăng từ 10-20 lần nhưng thu nhập của người dân lại tăng khá chậm, thậm chí có người thu nhập không tăng theo các năm vì vậy người dân không có đủ tích lũy tài chính để tiếp cận mua nhà ở giá rẻ, nhà ở thu nhập thấp. Nhà nước cũng chưa có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng giai đoạn 2013-2016, đến nay đã hết ngân sách giải ngân. Các thủ tục hành chính liên quan đến mua nhà ở xã hội, vay mua nhà ở xã hội cũng nhiêu khê, phức tạp, phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt khiến người dân mệt mỏi, nản lòng với các chính sách nhà ở xã hội ....

Là đơn vị vừa xây dựng gần 1.000 căn nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức và người thu nhập thấp của thành phố, ông Văn Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Chương Dương cho biết, với dự án nhà ở xã hội của Chương Dương tại quận Thủ Đức, sau hơn 1 năm xây dựng đến nay đã hoàn thành, ngay khi hoàn thành thì gần 1.000 căn hộ  cũng được bán hết, thậm chí "cháy hàng". Bởi dự án này có giá khá hợp lý, vừa túi tiền của người dân (dao động từ 700 triệu đến 1,2 tỷ đồng) và dự án này đã giúp nhiều người thu nhập thấp ổn định cuộc sống tốt hơn tại thành phố. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn nhưng hiện nay nguồn cung chung cư cũng gần hết (do dự án mới bị hạn chế phê duyệt tại các quận trung tâm và còn dự án ngoài ngoại thành cũng bị chậm quyết), nguyên nhân chủ yếu do vướng các thủ tục hành chính. Mặt khác, việc xây dựng nhà ở xã hội lợi nhuận không cao và khi triển khai không hiệu quả nên các nhà đầu tư cũng không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội.

Chú thích ảnh
Hơn 200 đại biểu tham gia hội thảo tìm giải pháp về nhà ở cho người dân tại TP Hồ Chí Minh.

“Dù bỏ tiền túi để xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nhưng đơn vị lại đang vướng một số thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục hành chính, nghiệm thu dự án để làm sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở). Sắp tới, đơn vị mong muốn UBND TP Hồ Chí Minh, Sở ban ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để chủ đầu tư có thể đẩy nhanh tiến độ bàn giao nhà và làm sổ hồng sớm cho người dân”, ông Văn Minh Hoàng cho biết thêm.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, cũng cho biết, đơn vị cũng có khoảng 1.000 căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho người dân, hiện đơn vị cũng vừa nộp đơn xin triển khai dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh từ tháng 3 nhưng đến nay đơn vẫn nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư và chưa được giải quyết. Dự án Nhà ở xã hội ở phường An Lạc, quận Bình Tân dù người dân đã vào hơn 2 năm nhưng đến nay việc cấp sổ cho người dân vẫn còn phải chờ.

“Nguyên nhân do thành phố chưa giải quyết các thủ tục hành chính liên quan về ưu đãi giảm tiền thuê đất, thuế đất… khi xây nhà ở xã hội. Khi đơn vị hỏi sở ngành này thì chỉ nhận được câu trả hồ sơ đang ở sở kia… hình như có sự đùn đẩy trách nhiệm ở đây. Vì vậy, chúng tôi muốn kiến nghị nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư từ xã hội hóa?”, ông Lê Hữu Nghĩa nói.

Sớm giải quyết các vướng mắc

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang đứng trước thách thức không nhỏ với quy mô dân số lớn, gây áp lực lên hạ tầng nhà ở cho người dân. Năm 2019, dân số TP Hồ Chí Minh có khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại thành phố. Dân số đông nhưng sự phân bố chưa hợp lý; mật độ dân số trung bình của thành phố gấp 14,7 lần mật độ cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm thành phố tăng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người, dẫn đến những áp lực lớn trong công tác quản lý đô thị, đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở đang khiến người dân bức xúc.

Chú thích ảnh
Người dân TP Hồ Chí Minh có nhu cầu cao về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân số ngày càng gia tăng là nhiệm vụ quan trọng mà thành phố phải quan tâm và thực hiện. Thành phố đã đưa việc phát triển nhà ở vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn tới 2025. Cụ thể đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội và 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sắp tới, thành phố tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, chỗ ở cho công nhân với chủ trương phát triển đa dạng hóa sản phẩm, loại hình nhà ở xã hội (đối tượng phục vụ, diện tích, vị trí đầu tư…) để phù hợp với khả năng thanh toán, việc lựa chọn địa điểm thuận tiện cho công việc.

Theo ông Phong, thành phố tiếp tục rà soát, bố trí các quỹ đất, cũng như cân đối nguồn vốn ngân sách xây dựng nhà ở xã hội tại quận, huyện. Đối với các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, hoặc các khu đất nhà ở xã hội, sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo phương thức hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất để tạo lập qũy nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Ngoài ra sẽ có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ. Đối với các nhà quản lý, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ yêu cầu các Sở, ban ngành sớm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ, công chức, thành phố cũng đã nâng mức vay mua nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước từ 500 lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà, đến nay nguồn vốn đã giải ngân được 15.000 tỷ đồng….

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, thành phố có thể cân nhắc những khu đất chừng 10 ha tại các khu vực quy hoạch phát triển để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Nếu làm được việc này, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh mới phát triển bền vững, không lệch pha cung cầu và đẩy lùi được tình trạng mua nhà để đầu tư nhiều hơn mua nhà để phục vụ nhu cầu sinh sống thực tế như hiện nay.

“Vì lệch pha cung cầu nên những người có nguồn tiền thu nhập ổn định hằng tháng không mua được nhà và nhà ở xã hội lại rơi vào tay những người mua để đầu tư, vô tình đẩy giá nhà lên cao. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý để làm sao xây dựng được những căn nhà 40-50 m2 cho người thu nhập thấp. Đồng thời, cần chính sách hỗ trợ lãi suất cho những người mua căn nhà đầu tiên ở mức 6-7%, tức thấp hơn thị trường 3-4%, trong 3-5 năm đầu tiên để người dân có điều kiện mua nhà ở”, ông Trần Khánh Quang cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới, để việc xây dựng nhà ở cho người dân đạt hiệu quả cao, thành phố cần rà soát kế hoạch sử dụng đất để bố trí nhà ở hợp lý từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể, tránh cào bằng, dàn trải; thành phố cần tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại các quận huyện, phân bố đồng đều; tập trung huy động nguồn lực tài chính từ xã hội hóa để có nhiều nguồn cung nhà ở cho người dân dồi dào lựa chọn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua nhà và thuê nhà dài hạn và trả góp hàng tháng nhằm có căn nhà mơ nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch cụ thể các phân khu các dự án và công bố rộng rãi cho người dân biết, tránh trường hợp mua phải những dự án “ảo”, dự án ma; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các dự án nhà ở, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và theo hướng có lợi cho người dân...

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tái diễn vở múa đương đại ‘Mùa xuân thiêng liêng’ tại TP Hồ Chí Minh
Tái diễn vở múa đương đại ‘Mùa xuân thiêng liêng’ tại TP Hồ Chí Minh

Vở múa đương đại “Mùa xuân thiêng liêng” biểu diễn lần đầu tiên trong Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu 2019 và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Vở diễn sẽ trở lại trong đêm biểu diễn ngày 14/9 tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN