Ùn tắc khắp nơi
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng trở lại từ tháng 3/2021, tương tự trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Liên tiếp các ngày giữa tháng 4/2021, nhiều tuyến đường ở khắp các cửa ngõ vào trung tâm thành phố bị ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.
Anh Đồng Văn Nam, Chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) cho biết, trong năm 2020 tình hình giao thông qua khu vực vẫn đông, nhưng ít xảy ra ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, đường Cộng Hòa và khu vực xung quanh thấy đông “đột biến”. Đỉnh điểm có lẽ từ đầu tháng 4/2021 đến nay, ùn tắc giao thông kéo dài diễn ra thường xuyên, nhất là đoạn gần ngã tư giao Cộng Hòa và Hoàng Hoa Thám.
Lý giải nguyên nhân, ông Ngô Hải Đường, Trường phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, như các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp trước mùa mưa bão; học sinh, sinh viên nhập học trở lại; đầu mùa mưa gây ra tình trạng ùn ứ giao thông đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc có sự cố ngã đổ cây xanh... Thực tế hiện nay, nhiều tuyến đường, nhất là trục đường Cộng Hòa, Trường Chinh lưu lượng phương tiện giờ cao điểm đã vượt xa năng lực phục vụ của tuyến.
Không chỉ tuyến đường “huyết mạch” Cộng Hòa từ phía Tây Bắc đi vào trung tâm thành phố bị ùn tắc, hầu như bốn cửa ngõ và khu trung tâm thành phố đều bị ùn tắc cục bộ; trong đó, các khu vực đường Trường Chinh (đoạn gần cầu Tham Lương), nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ (đường Xô Việt Nghệ Tĩnh), cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Tất Thành, Xa lộ Hà Nội (ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái)... đều có lượng phương tiện tăng cao, tốc độ lưu thông khá thấp.
Tại khu vực trung tâm, các tuyến Lý Tự Trọng - Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn, giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, vòng xoay Lăng Cha Cả có chuyển biến so với trước đây nhưng vẫn phức tạp. Trong khi đó, khu vực Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý) hầu như không cải thiện.
Theo ông Ngô Hải Đường, hiện khu vực trung tâm có 12 tuyến đường có lưu lượng lưu thông đông, mức độ phục vụ ở ngưỡng E (dòng không ổn định, đường làm việc ở trạng thái giới hạn, bất kì trở ngại nào cũng gây tắc xe) và ngưỡng F (dòng hoàn toàn mất ổn định, tắc xe xảy ra), phần lớn trong đó ở mức F (10/12 tuyến đường). Đây là những tuyến có nguy cơ ùn tắc rất cao.
Không chỉ trung tâm, hiện “tứ phía” của TP Hồ Hồ Chí Minh đều có nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Phía Tây là vòng xoay Phú Lâm, đường Hồng Bàng có mật độ lưu lượng lớn; phía Nam có cầu Kênh Tẻ, giao lộ Phạm Hùng – Nguyễn Văn Linh; phía Bắc có nút giao An Sương, đường Tô Ký, nút giao Nguyễn Văn Bứa – Quốc lộ 22, Quốc lộ 1… có mật độ lưu lượng lớn, nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới.
Các nút giao quan trọng tại khu vực phía Đông, thành phố Thủ Đức như nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú, ngã tư Tây Hòa… tình trạng giao thông cũng khá phức tạp, trong khi đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái) không có chuyển biến so với cuối năm 2020. Ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái, đường Nguyễn Duy Trinh là những tuyến đường có nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới ở phía Đông.
“Chúng tôi có 6 mức đánh giá tình hình giao thông. Nhưng hiện có 80%-90% các tuyến đường trục chính vào giờ cao điểm đã rơi vào mức cao nhất (mức F). Thậm chí có một số tuyến đường đã vượt trên ngưỡng cao nhất dẫn đến ùn tắc như đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh…”, ông Ngô Hải Đường chia sẻ.
Tìm lời giải cho bài toán khó
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, qua theo dõi 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 3/2021, có 4 điểm chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng tình hình còn phức tạp và 6 điểm không chuyển biến.
Đây là những điểm được liệt kê trên “giấy tờ”, thực tế các khu vực có nguy cơ và thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc khi có sự cố vẫn khá nhiều. Ngoài 18 điểm đã thống kê, hiện có tới 11 điểm có nguy cơ ùn tắc mới ở khắp các khu vực cửa ngõ thành phố.
Trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều công trình giao thông nhằm tháo gỡ các “nút thắt” này nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử tại khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều dự án dù được phê duyệt, có kế hoạch triển khai từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động” do vướng mặt bằng, nổi bật là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý…
Khu vực thành phố Thủ Đức, dự án Vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín, nút giao Mỹ Thủy đang thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư (liên quan đến giải phóng mặt bằng)… Điểm tích cực là ngày 22/4, HĐND TP Hồ Chí Minh chính thức thông qua dự án xây dựng nút giao An Phú, tổng mức đầu tư khoảng 3.296 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, từ năm 2023 - 2024 sẽ thi công hoàn thành công trình. Nút giao này là điểm kết nối giao thông quan trọng, sẽ giải quyết ùn tắc, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho khu vực phía Đông.
Trong khi chờ các giải pháp về công trình hạ tầng được triển khai, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp về tổ chức, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Theo ông Ngô Hải Đường, hiện nhiều khu vực đã có tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Thông qua dữ liệu quan trắc, mô hình mô phỏng giao thông mức độ phục vụ của đường, Trung tâm sẽ phân tích, đánh giá lưu lượng trên các tuyến đường trục chính, hướng tâm và đưa ra giải pháp phù hợp.
Đầu tháng 4/2021, Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; trong đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong xác định cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ phát huy hiệu quả các nhóm phản ứng nhanh và ứng dụng mô hình dự báo tình hình giao thông vào điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên một số tuyến đường, khu vực phù hợp với tình hình thực tế; ưu tiên các hướng giao thông liên vùng và hạn chế tập trung quá nhiều kết nối giao thông đồng mức tại khu vực cửa ngõ.
Các giải pháp về công trình hạ tầng giao thông vẫn đang được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ triển khai, trước mắt thành phố vẫn phải trông chờ các giải pháp phi công trình; trong đó, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành cũng như tổ chức lại giao thông hợp lý cần được thực hiện triệt để.