Trăn trở với việc thiếu thốn nước sinh hoạt ở vùng cao, hai cử nhân tốt nghiệp trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội là Bùi Văn Liệu và Trịnh Xuân Thành đã lắp đặt thành công hệ thống bơm va cấp nước cho người dân ở xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, Lào Cai, đồng thời mở ra cơ hội ứng dụng công nghệ mới, cấp nước sạch đến tận nhà với chi phí thấp cho người dân vùng cao.
Giải tỏa cơn khát Đi miền núi nhiều, bắt gặp nhiều nơi người dân lấy nước sinh hoạt rất khó khăn, lại đúng chuyên ngành học của mình, Bùi Văn Liệu và Trịnh Xuân Thành đã làm đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo bơm va cấp nước vùng nông thôn, biên giới, hải đảo”. Đề án của hai bạn đã đoạt giải Ứng dụng - giải thưởng cao nhất của cuộc thi Holcim Prize 2014. Ngay khi lắp công trình ở xã Nậm Pung, Liệu và Thành đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền xã và người dân. Hầu hết các vật liệu đều được người dân giúp vận chuyển bằng xe máy và đường bộ qua những con đường dốc, một bên là vách đá.
Bùi Văn Liệu kiểm tra bể trung chuyển nước của hệ thống bơm va. |
Từ tháng 6/2015, hơn 200 hộ dân và các điểm trường Mầm non và Tiểu học xã Nậm Pung đã được dùng nước sạch kéo về tới tận nhà. Chưa bao giờ người dân nhìn thấy nước chảy về bể nhiều như vậy, chảy tràn cả ra ngoài. Vừa rửa chân tay, anh Tẩn Văn Chiêu, nhà ở bản Nậm Pung, ngay trung tâm xã được hưởng lợi nhờ dự án này cho hay: “Mọi khi toàn phải đi xuống suối hơn 1km để múc nước về sử dụng, vì bản ở xa, nước theo đường ống không lên tới được, vất vả lắm. Nước đi xách ở xa về nên cũng không được sử dụng thoải mái, phải dùng tiết kiệm, tắm rửa, giặt giũ gì cũng phải đi xuống suối. Nay thì sướng hơn nhiều rồi, nước dùng thoải mái mà không phải tốn tiền điện hay dầu”.
Theo Bùi Văn Liệu, nguồn nước thích hợp để lắp máy bơm va chỉ cần các dòng suối dài hơn 1 km, có nước chảy quanh năm. Qua hệ thống bơm va, hiệu suất đẩy nước tăng lên 30%. |
Vui hơn cả là các giáo viên và học sinh trường Mầm non và Tiểu học Nậm Pung. Thầy giáo Nguyễn Quang Huy, trường Tiểu học Nậm Pung kể: Trường tiểu học có 205 em học sinh cộng thêm hơn 30 em ở mầm non. Cả hai trường đều nấu ăn bán trú cho các em vào bữa trưa, nhưng thiếu nước nên vất vả lắm. Do trường đều nằm ở vị trí cao, đường ống thỉnh thoảng còn bục, vỡ nên nước chẳng mấy khi dẫn về được đến bể chứa của trường. Để dẫn nước về, trường phải dùng bơm để bơm lên bể nước. Mỗi tháng cũng mất ít nhất 300 - 400.000 tiền điện. Ở trường tiểu học còn đỡ vì có các thầy giáo biết sử dụng máy bơm, chứ như ở trường mầm non toàn các cô giáo, nên 2 năm nay hỏng mất 4 chiếc máy bơm rồi. Từ giờ không phải lo về nước nữa rồi, nước chảy về tận bể chứa mà không cần điện hay nhiên liệu gì”.
Khả năng ứng dụng cao “Từ trước tới nay, hệ thống bơm va này mới chỉ có Viện khoa học thủy lợi đang nghiên cứu, nhưng chi phí rất cao. Trong khi bơm va của bọn em chi phí lại thấp, có tính ứng dụng rộng rãi và không gây ô nhiễm môi trường. Chỉ mất khoảng từ 50 - 70 triệu đồng là có thể lắp đặt được hệ thống bơm va này. Sau này, nếu đặt hàng nhiều, sản xuất kiểu công nghiệp thì chi phí còn giảm nhiều hơn, chỉ từ 10 - 20 triệu đồng là đủ”, Bùi Văn Liệu cho biết.
Hệ thống bơm va đơn giản, dễ lắp đặt, không cần điện hay nhiên liệu. |
Công đoạn bảo quản, bảo trì hệ thống cũng rất đơn giản. Thầy giáo Nguyễn Quang Huy, trường Tiểu học Nậm Pung là người được giao trách nhiệm bảo quản hệ thống bơm sau khi vận hành ở xã Nậm Pung. Thầy Huy cũng là người đã theo sát dự án, cùng lắp đặt với đội, nên biết rõ cách thức hoạt động của máy bơm. “Trước khi về Hà Nội, nhóm nghiên cứu cũng để lại cho chúng tôi các thiết bị để có thể tự sửa chữa phòng khi hư hỏng. Các phụ tùng thay thế cũng dễ mua và dễ thay thế, chỉ cần có xưởng cơ khí thì chúng tôi cũng có thể tự gia công được, mà chi phí lại không cao”, Thầy Huy cho biết.
Ông Tẩn Sin Tỉnh, Phó Bí thư thường trực xã Nậm Pung chia sẻ: “Nước sinh hoạt vốn luôn là một vấn đề khó khăn chung ở vùng cao, miền núi. Chúng tôi thấy đây là một cơ hội để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt ở các vùng cao. Hy vọng nghiên cứu này sẽ được triển khai rộng khắp ở các nơi có địa hình tương tự để người dân bớt khổ”.