Giải pháp mới xử lý rác thải từ cây thanh long

Mô hình “Thùng rác sinh học” ra đời đã mang lại kết quả khả quan giúp nông dân Bình Thuận xử lý hiệu quả rác thải từ cây thanh long…

 

“Thùng rác sinh học” là mô hình mới vừa được triển khai thực hiện tại nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Mô hình này giúp giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải là xác cây thanh long sau vụ thu hoạch. Mô hình còn giúp giảm chi phí nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân với việc phân giun được dùng để bón cây và xác giun sau khi hết vụ sẽ được bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

 

Hệ thống thùng rác sinh học bao gồm 2 khay xếp chồng lên nhau. Kích thước của hệ thống thùng là 1200x 800x 300mm.


Mô hình “Thùng rác sinh học” là mô hình nuôi giun quế để xử lý rác thải từ thân cây thanh long. Thùng rác này làm bằng gỗ, diện tích khoảng 1 m2, cao 0,5 m, bao gồm hai khay xếp chồng lên nhau và được liên kết cố định bởi hệ thống khung bên ngoài. Bên dưới mỗi khay đều có một lớp lưới kẽm đan vuông để nuôi giun quế, mỗi thùng chứa khoảng 20 kg giun quế. Bên trên có nắp đậy để chống mưa. Mỗi thùng có khả năng chứa được khoảng 200 kg rác tươi và có thể giải quyết được khối lượng rác của 40 trụ thanh long mỗi năm.


Ông Đào Ngọc Bình, thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng cho biết: Gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên thực hiện mô hình này. Với hơn 750 trụ thanh long, gia đình luôn phải tìm cách đối phó với lượng cành được tỉa ra hàng ngày. Trước đây, ông cũng đã thử nghiệm nhiều mô hình xử lý như ủ phân vi sinh từ rác thanh long nhưng kết quả không như mong đợi vì tốn chi phí mà bốc mùi hôi thối. Sau gần 3 tháng thử nghiệm mô hình mới này, gia đình ông rất phấn khởi. Hiện gia đình có 3 thùng rác sinh học, bảo đảm xử lý hết toàn bộ rác thải từ vườn thanh long nhà. Nếu mùa thu hoạch hoặc tới giai đoạn cắt bỏ cành, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư thêm để bảo đảm xử lý toàn bộ rác thải.

 

Ngoài việc giải quyết rác thải thanh long, mô hình này có thể tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh giun quế.


Mỗi thùng rác nếu tính tổng cộng chi phí khoảng hơn 2 triệu đồng, cách thiết kế và sử dụng cũng rất đơn giản. Sau khi tỉa cảnh, làm vệ sinh vườn thanh long, có thể cắt hoặc xay nhỏ cành. Sau đó đem ủ qua 3 đêm rồi cho vào thùng rác sinh học mà không sử dụng bất kỳ hóa chất hay loại thuốc gì, giun quế ở bên trong thùng sẽ từ từ ăn hết lượng cành cho vào. Cứ khoảng 4 ngày, cho giun ăn một lần, phân giun tiết ra sẽ trở thành phân hữu cơ, có thể bón ngược trở lại cho cây thanh long. Sau 3 tháng, có thể thu hoạch phân và giun một lần. Mỗi lần thu hoạch đạt từ 80 - 90 kg phân hữu cơ, từ đó tiết kiệm được từ 4 - 5 triệu tiền phân bón. Hơn nữa, việc này còn tiết kiệm rất lớn một khoản công thu gom và xử lý cành thanh long như trước đây. Với mô hình này, lượng giun sinh ra ngày càng nhiều, từ đó gia đình còn tận dụng giun để nuôi thêm gà cải thiện kinh tế, ông Bình chia sẻ cách làm.


Với chi phí ban đầu tương đối hợp lý và cách vận hành đơn giản, mô hình này không chỉ áp dụng được cho rác thải từ cây thanh long mà còn áp dụng được cho tất cả các loại rác hữu cơ từ nông nghiệp, nhằm bảo vệ môi trường nông thôn và cải thiện kinh tế cho nông dân.


Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Thắng cho biết: Trước đây, việc xử lý rác cây thanh long là mối lo của nhiều nông dân, vì nếu để xác cây thanh long tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu và ô nhiễm môi trường. Hầu hết nông dân chặt bỏ cành tại vườn hoặc vứt theo mương nước, suối… Từ đó bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân lây lan mầm bệnh cho cây trồng. Mô hình khép kín “Thùng rác sinh học” được ứng dụng tại địa phương không những giải quyết được vấn đề về ô nhiễm môi trường mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập. Trong thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hội thảo đầu bờ để giúp nông dân tìm hiểu và nhân rộng mô hình tại mỗi vườn thanh long.


Hồng Hiếu

Trồng thanh long ruột đỏ, thu trên 200 triệu đồng/ha/năm
Trồng thanh long ruột đỏ, thu trên 200 triệu đồng/ha/năm

Không chịu cảnh mất mùa như những loại quả khác, cây thanh long ruột đỏ có sản lượng thu được trong năm khá ổn định, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN