Theo Ban Tổ chức, Hội thảo nhằm làm rõ những nội dung trọng tâm: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã; bàn những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; đúc kết các kinh nghiệm và đưa ra những biện pháp nhằm giúp giảm nghèo bền vững cho chị em phụ nữ phù hợp với đặc thù vùng, miền và điều kiện sinh sống thực tế cũng như quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết lao động việc làm cho chị em, nhất là những địa bàn nông thôn sâu, xa.
Hội thảo cũng đặt ra tầm quan trọng của việc kết nối, tương tác giữa cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp với các cấp Hội và hội viên trong việc thúc đẩy, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, góp phần tăng cường hơn nữa quyền năng kinh tế cũng như phát huy vai trò phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Tại Hội thảo, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau cho biết, là tỉnh cực Nam Tổ quốc, có ba mặt giáp biển, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, nhất là đối tượng phụ nữ nghèo nông thôn. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu dưới tán rừng cho hơn 20.000 hộ, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương như: Nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi cua, nuôi sò, vọp, ốc len…
Theo đánh giá, 97% hộ dân áp dụng các mô hình thành công, có lợi nhuận từ 15 đến 20 triệu đồng/mô hình/vụ. Thông qua các mô hình sinh kế, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau đã thành lập mới 2 hợp tác xã, thu hút 57 thành viên, nâng toàn tỉnh có 13 hợp tác xã với 167 thành viên và 135 tổ hợp tác, trên 1.500 thành viên đang hoạt động hiệu quả, mang lại kinh tế ổn định cho 1.720 phụ nữ nông thôn.
Còn theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, để thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương, Đồng Tháp đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Đó là khuyến khích chị em phụ nữ tham gia “sản xuất sạch, an toàn” gắn với thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển và mở rộng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để có nhiều sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mặt khác, địa phương tiếp tục đẩy mạnh vận động chị em tham gia các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối cung cầu trong sản xuất – tiêu thụ…
Đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tiền Giang góp thêm ý kiến trong Hội thảo nhằm thực hiện tốt các mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương. Trong đó, các cấp Hội chú trọng bám sát chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện tốt các mô hình sinh kế phù hợp thế mạnh từng vùng chuyên canh trong tỉnh. Mặt khác, nâng cao năng lực cán bộ Hội phụ trách hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, quản lý chặt chẽ và hiệu quả các nguồn vốn ủy thác giúp nhau phát triển kinh tế trong hội viên phụ nữ. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp cùng các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng những mô hình sinh kế hiệu quả, góp phần giúp người dân tạo dựng cơ nghiệp bền vững.
Tại tỉnh Trà Vinh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đang phát huy vai trò các mô hình tiết kiệm tín dụng giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết vấn đề vay nặng lãi ở nông thôn, tạo thói quen tiết kiệm trong hội viên với hình thức huy động vốn nhằm tương thân, tương ái và tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp về chỉ tiêu giảm nghèo. Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh đã thành lập được 1.877 tổ tiết kiệm tín dụng bao gồm 1.037 Tổ tiết kiệm tín dụng và 840 Tổ góp vốn xoay vòng thu hút gần 14.000 thành viên...
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Long An đã thành lập được 191 tổ hợp tác và 27 hợp tác xã có hội viên phụ nữ quản lý. Qua thực tế phát triển kinh tế hợp tác trong hội viên phụ nữ, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Long An đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đó là các cấp Hội cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về lợi ích con đường làm ăn hợp tác kiểu mới; tích cực vận động hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể; kịp thời củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là cán bộ quản lý nữ…
Ban Tổ chức đánh giá, đây là những mô hình mới, cách làm hay của Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương, phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả, thiết thực góp thêm những giải pháp phát triển sinh kế cho hội viên phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu, tổng kết, áp dụng nhân rộng trong phong trào Hội thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế chị em phụ nữ trong phát triển sinh kế, giảm nghèo nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung.