Giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng người có công

Ngày 13/12, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2016, những phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, địa phương có trên 20% số dân là đối tượng chính sách, người có công. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 330.830 người đang hưởng các chế độ khác nhau, với tổng kinh phí trợ cấp hằng năm khoảng 1.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2016, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Đối với lĩnh lực lao động, việc làm, năm 2016, tỉnh giải quyết việc làm cho 15.000 lao động và hơn 540 lao động được đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài; tổng số lao động tham gia học nghề là hơn 35.530 người, tổng số lao động được hỗ trợ dạy nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hơn 4.000 người. 

Toàn tỉnh có 40 cơ sở dạy nghề gồm 2 trường Cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp nghề và 33 trung tâm, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp có tham gia dạy nghề. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%; số lao động có việc làm tăng thêm 15.000 người, xuất khẩu lao động đạt 300 người.

Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chế độ chính sách đối với người có công, chương trình giảm nghèo bền vững, bảo vệ trẻ em, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tỉnh Quảng Nam là địa phương có 9 huyện miền núi với nhiều đối tượng chính sách, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hiện Quảng Nam đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động của cả nước. Những năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến lao động, chăm lo đời sống người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh đã ứng ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở cho người có công. Bên cạnh đó, chương trình xóa đói, giảm nghèo được tỉnh triển khai hiệu quả, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,8%. Thời gian tới, Quảng Nam cần có sự đột phát trong thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội, xem đây là việc làm hàng đầu, góp phần ổn định kinh tế xã hội và phát triển bền vững.

Trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công, tỉnh cần thường xuyên kiểm tra giám sát. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện và tập trung xây dựng dữ liệu quản lý người có công. Tỉnh quan tâm giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng người có công, phấn đấu trước tháng 1/2017 hoàn thiện hồ sơ để báo cáo cấp trên quyết định. Đối với những hồ sơ về các trường hợp nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trường hợp nào đủ điều kiện, cơ quan chức năng của tỉnh xem xét cho đi giám định, nếu không đủ điều kiện thì trả lời dứt khoát để người dân được biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang ngành công nghiệp, dịch vụ do vậy tỉnh cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, sắp xếp lại cơ sở dạy nghề. Tỉnh cần đẩy mạnh phân luồng học sinh ở bậc trung học cơ sở để đi học đào tạo nghề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu xây dựng một trường nghề chất lượng cao tại Quảng Nam; hỗ trợ kinh phí để tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ đang xuống cấp; hỗ trợ 10 tỷ đồng xây dựng khu phục hồi chức năng của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam.

Đỗ Trưởng (TTXVN)
  Dành nhiều nguồn lực chăm lo cho người có công
Dành nhiều nguồn lực chăm lo cho người có công

Chiều 7/12, phát biểu tại buổi tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Kiên Giang,Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định với tinh thần uống nước nhớ nguồn, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều nguồn lực để chăm lo cho người có công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN