Giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng: Không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách

Giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng tồn đọng là vấn đề khó khăn và phức tạp. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội, hàng nghìn hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết, mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho nhiều gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách quan tâm, ưu đãi người có công.

Xét duyệt khách quan, đúng đối tượng

 Chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là sự chăm lo, đãi ngộ đặc biệt của của Đảng và Nhà nước ta và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của những người có công đối với đất nước. Nguyện vọng của NCC và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình được vinh danh. Ông Nguyễn Duy Kiên, Cục phó Cục Người có công cho biết: Vào ngày 26/7, Bộ LĐTBXH trao bằng tổ quốc ghi công cho 442 liệt sĩ. Đây là nỗ lực lớn của Bộ và các đia phương trong việc rà soát hồ sơ người có công còn tồn đọng.

 

An táng hài cốt các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Hưng – Tân Hưng

 Những trường hợp thân nhân liệt sĩ đón nhận bằng tổ quốc ghi công trong những năm qua đều xúc động khi hồ sơ NCC được các ban ngành, địa phương tích cực giải quyết. Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất trong cả nước với gần 800.000 người (chiếm tỷ lệ gần 10% tổng số người có công của cả nước), trong đó có hơn 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 45.000 thương binh, bệnh binh, gần 80.000 liệt sĩ… Trong những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực giải quyết hồ sơ còn còn hồ sơ tồn đọng do nhiều nguyên nhân là trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người thân của những người đã hy sinh, người bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ liên quan, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến không giữ được giấy tờ gốc... nên không đủ căn cứ để xác nhận là người có công.

 

Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nộicho biết: Danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, những người tham gia hoạt động kháng chiến, người cao tuổi và được niêm yết công khai, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đều có được sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay, không có bất kỳ ý kiến nào khác. Qua đó, có thể khẳng định, việc xác minh thông tin hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ diện tồn đọng được các cấp, các ngành chức năng của TP Hà Nội tiến hành một cách thận trọng, đúng đối tượng, dân chủ, công khai, minh bạch. Đến nay các đối tượng đề nghị công nhân liệt sĩ đã cơ bản được giải quyết.

 

Hiện toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là sự chăm lo, đãi ngộ đặc biệt của của Đảng và Nhà nước ta và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của những người có công đối với đất nước. Nguyện vọng của NCC và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.

 

Đến tháng 6/2016, cả nước có 4.141 hồ sơ đề nghị công nhận là NCC với cách mạng, đó là những hồ sơ đã được thiết lập từ những năm trước nhưng vì có những nguyên nhân cụ thể khác nhau nên chưa giải quyết được; ngoài ra còn có 8.525 bản kê khai của gia đình đề nghị công nhận là NCC với cách mạng.

 

Với chủ trương không để “lọt” đối tượng thụ hưởng chính sách, Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

 

Từ những kết quả đạt được sau đợt thí điểm tại 5 tỉnh, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với kế hoạch triển khai thí điểm với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐTBXH, Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh, thành phố trở lên.

 

Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tính đến hết năm 2017, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với với 1250 liệt sĩ.

 

Rà soát lại kết quả cho thấy, tất cả các trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng và tiêu chuẩn, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Tất cả các trường hợp hồ sơ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn đều không được đề nghị công nhận và thông báo cụ thể, trực tiếp đến cho gia đình, đối tượng rõ lý do. Những trường hợp, quá trình xem xét, có những tình tiết không rõ ràng hoặc có mâu thuẫn hoặc có ý kiến phân vân, phản hồi qua công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đều được tiến hành xác minh, kết luận rõ ràng, cụ thể. Như vậy, đến hết năm 2017, đối chiếu với Quyết định 408, đã hoàn thành mục tiêu đề ra là tập trung giải quyết cơ bản số hồ sơ NCC tồn đọng ở ngành LĐTBXH, Công an, quân đội từ cấp tỉnh trở lên.

 

Đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng

  Theo ông Nguyễ Duy Kiên, hiện cả nước vẫn còn gần 500 hồ sơ liệt sĩ còn tồn đọng, trong đó có 70 hồ sơ liệt sĩ đủ điều kiện, 16 hồ sơ phải bổ sung hoàn thiện.

Đại diện lãnh đạo các quận, phường của Hà Nội đến thăm hỏi, động viên gia đình người có công trên địa bàn.

Để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương cơ sở, các nhân chứng lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của NCC với cách mạng đã nỗ lực hết sức mình trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn, mổ xẻ từng chi tiết để xem xét, xác nhận đối tượng NCC với cách mạng với mục tiêu không để “lọt” người có công thật sự.

 

Theo Cục Người có công, những hồ sơ tồn đọng từ khá nhiều năm nên tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan; có nơi như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh... phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại nhiều quân khu, đơn vị và địa phương,...; những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận. Tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương.

 

Để hoàn thành chỉ tiêu của Ban Bí thư Trung ương đảng đề ra trong Chỉ thị số 14, đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng theo quy trình tại Quyết định 408 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH. “Vai trò của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng có tính mấu chốt, trong đó thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi người có công sinh sống; đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác liên ngành Trung ương về giải quyết chính sách người có công; thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên theo các quy định hiện hành; đồng thời phát huy quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ”, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

XC-LV/Báo Tin tức
Người thương binh thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ những người lầm lỡ
Người thương binh thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ những người lầm lỡ

Nhiều người dân tại khu phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) đều biết đến thương binh hạng 2/4 Ngô Xuân Tự thường xuyên làm việc thiện và mở lớp dạy nghề giúp những người lầm lỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN