"Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội": Sức lan tỏa của một tình yêu

Yêu Hà Nội giống như một tình yêu thường trực trong mỗi người dân, nhất là đối với những người đã sống ở Hà Nội, hay ít nhất đã một lần đến với mảnh đất này.
Và mỗi năm tình yêu ấy lại được tôn vinh, trong một giải thưởng gắn với tên tuổi một người cũng nồng nàn yêu Hà Nội: Danh họa Bùi Xuân Phái.

Lẻ cách yêu Hà Nội

"Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" năm nay đã bước sang tuổi thứ tư, không còn xa lạ với người dân Thủ đô, nếu không muốn nói là được mong chờ mỗi khi tới dịp sinh nhật danh họa Bùi Xuân Phái (1/9). Đây là giải thưởng thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, có tính xã hội hóa cao, được lập ra từ năm 2008, theo sáng kiến của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam).

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (bên trái), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trao tặng NSND - GS Phan Huy Lê Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Vũ Ngọc


Họa sĩ Bùi Xuân Phái vốn có một tình yêu Hà Nội và sự gắn bó có thể nói là cực kỳ sâu nặng với mảnh đất này. Chẳng thế mà ông đã "chọn" cách để Hà Nội phải "nhớ" mình bằng một dòng tranh phố: Tranh Phố Phái, tạo nên một "hương sắc" nghệ thuật riêng chỉ có ở đất Thủ đô. Bởi thế nên, giải thưởng mang tên ông, cũng là giải thưởng của những tình yêu Hà Nội, giải thưởng vì những tình yêu Hà Nội. Có 4 hạng mục giải được trao hàng năm: Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội dành cho một tác giả có nhiều đóng góp cho Hà Nội trong suốt sự nghiệp của mình; Giải về Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội (văn, thơ, nhạc, họa, múa, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc); Giải về Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội dành cho các ý tưởng, đề xuất độc đáo, có ý nghĩa sâu rộng đối với Thủ đô văn hiến, có tính khả thi cao; và Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội dành cho các hoạt động hoặc việc làm có giá trị, gắn bó với các mặt đời sống của người Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội.

Năm nay, vẫn là 4 hạng mục ấy, nhưng với 10 đề cử, và cũng như những năm trước, không đề cử nào không khiến các thành viên BGK bị thuyết phục, không hạng mục nào không khiến phải "nâng lên, đặt xuống" nhiều lần mới có thể chọn lựa được. Duy có 1 hạng mục, năm nay có vẻ "đơn giản" hơn cho BGK, đó là hạng mục "Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội": Chỉ có duy nhất 1 đề cử là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Lý giải về điều này, Trưởng BTC giải, ông Ngô Hà Thái- Phó Tổng giám đốc TTXVN cho biết: Những năm trước, đề cử "Giải thưởng Lớn" thường có 2 đề cử, chọn 1. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, BTC quyết định chỉ đưa ra 1 đề cử, bởi tất cả những người được đề cử "Giải thưởng Lớn" đều xứng đáng, nên nếu đưa ra 2 sẽ rất khó khăn trong lựa chọn. Năm nay, "Giải thưởng lớn- Vì tình yêu Hà Nội" như đã nói trên, là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê- người được Hội đồng giám khảo đồng thuận một cách tuyệt đối. Bởi năm 2010 có thể nói là năm cho những đóng góp của Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Vốn đã dành nhiều công sức nghiên cứu về lịch sử Hà Nội xưa và nay, năm 2010 ông đã chủ biên bộ hồ sơ đăng ký di sản thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời đóng góp công sức vào hồ sơ Lễ hội Phù Đổng, Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ba bộ hồ sơ này đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó, như khẳng định của những người trong cuộc, công lao của GS Phan Huy Lê là rất quan trọng. Giáo sư Phan Huy Lê cũng là người chủ trì nhiều Hội thảo lớn về Thăng Long - Hà Nội, tham gia chủ biên hoặc viết 36 công trình nghiên cứu về Hà Nội, trong đó có việc chủ biên các cuốn Bách khoa thư Hà Nội (tập I-Lịch sử Hà Nội 2010), Địa bạ cổ Hà Nội (2 tập, NXB Hà Nội 2010). Và đặc biệt là bộ sử "Lịch sử Thăng Long-Hà Nội" (2 tập) đã hoàn thành và đang in (NXB Hà Nội).... Ngoài ra, GS Phan Huy Lê còn viết nhiều bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, danh nhân Hà Nội, đào tạo, tập huấn nhiều cán bộ sở ngành về các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ học của Thủ đô...

Nổi bật trong những công trình được trao giải lần này bởi sự độc đáo của ý tưởng sáng tác cũng như sự độc đáo của tác phẩm, đó chính là các tác phẩm trong dự án “Hóa thạch sống” của họa sĩ Vương Văn Thạo, được trao "Giải Tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội". Dự án này được Vương Văn Thạo bắt đầu từ năm 2004. Cho đến năm 2007, anh đã “hóa thạch” được 36 ngôi nhà cổ, đại diện cho 36 phố phường Hà Nội. Tiếp sau đó là “hóa thạch” cầu Long Biên. Tháng 5 vừa qua, anh làm tiếp "hóa thạch" 36 cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội, gần là các cổng làng, ngõ dọc phố Thụy Khuê ven hồ Tây, xa là ở các vùng Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông... 36 cổng làng hóa thạch này đã được triển lãm tại Trung tâm văn hóa Pháp ngày 19/5 vừa qua.

Nói "hóa thạch", chắc sẽ nhiều người thấy khó hiểu về công trình của Vương Văn Thạo. Theo họa sĩ bật mí, cách làm “hóa thạch” của anh không giống ai và cũng chưa thấy ai làm. Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, anh đắp mô hình ngôi nhà, cổng làng... bằng đất, làm khuôn silicon rồi sau đó là đổ trùm composite “trong suốt” lên để bao bọc lấy, tạo một khối hóa thạch những ngôi nhà cổ, cổng làng cổ với hai màu chủ đạo vàng, đỏ tuyệt đẹp và đầy cảm xúc. “Có thể nói, anh đã vĩnh cửu hóa những hồn phố, hồn người, những di tích của Hà Nội trong tác phẩm của mình"- nhà thơ Bằng Việt, Trưởng ban giám khảo cho biết.

Về "Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội", ý tưởng tổ chức và các đồ án xuất sắc trong cuộc thi thiết kế "Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (ĐH Hawaii, Hoa Kỳ), Trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng Lạc Việt và Ashui.com, cùng các tác giả dự thi đều đoạt giải, bởi cuộc thi và các đồ án dự thi đã đưa ra các ý tưởng và giải pháp có tính khả thi cao, được cộng đồng ủng hộ để phát huy giá trị của Công viên Thống Nhất.

Và cuối cùng là giải "Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho tập thể các nhà khoa học và quản lý đã chăm sóc, cứu chữa rùa Hồ Gươm, vì đã có những biện pháp mạnh dạn, kịp thời, khoa học và hiệu quả trong việc bảo vệ "linh vật sống" của Thủ đô. Ở hạng mục này, một lần nữa sự đồng thuận của các giám khảo là rất cao, bởi có lẽ sự kiện "cứu Rùa Hồ Gươm" là sự kiện được dư luận quan tâm nhất trong suốt thời gian dài vừa qua.
Yêu và "vì tình yêu"

Yêu Hà Nội là điều ai cũng có thể làm được, nhưng để có thể "vì tình yêu Hà Nội" thì không phải chuyện dễ. Đó, có lẽ chính là điều mà những nhà tổ chức giải thưởng đã gửi gắm, và cũng là điều mà những người Hà Nội đã thấm thía hơn sau 4 lần trao giải thưởng này.

Là người đã tâm huyết với "Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" từ những ngày đầu, cũng là Trưởng BTC giải 4 năm nay, Phó Tổng giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái tâm sự, hiếm có giải thưởng nào đặc biệt như "Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội", bởi đây là một giải thưởng duy nhất của Việt Nam được trao cho tình yêu. "Chúng ta, ai cũng có chung một tình yêu với Hà Nội, nhưng có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu, thông qua những hành động, qua những suy nghĩ của riêng mình. Chính bởi vậy, ở đây mới có cả giải thưởng cho tác giả, giải thưởng cho tác phẩm, giải thưởng cho việc làm và giải thưởng cho ý tưởng", Phó Tổng giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái nhấn mạnh.

Cũng chung suy nghĩ này, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đã xúc động phát biểu trong lễ trao giải, khẳng định rằng dù ông đã được nhận rất nhiều giải thưởng, nhưng "Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" với ông là một vinh dự lớn, bởi giải thưởng này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê chia sẻ: "Có nhiều lý do để khiến tôi thấy rất vinh dự khi được trao giải thưởng này, nhưng sâu lắng nhất trong tôi là 2 lý do. Thứ nhất, đây là giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, người sinh thời tôi đã được tiếp xúc. Ông là một người có lối sống bình dị, nhưng là một họa sĩ lớn, có một phong cách nghệ thuật độc đáo, đã để lại cho di sản văn hóa Hà Nội một "công trình" lớn, đó là tranh phố Phái. Thứ hai, giải thưởng này mang một tiêu đề rất độc đáo và đặc sắc: "Vì tình yêu Hà Nội". Mỗi người đều có tình yêu với Hà Nội, nhưng "Vì tình yêu Hà Nội" thì lại có nghĩa là biến tình yêu ấy thành một động lực nội tâm, vượt mọi khó khăn, cố gắng cùng lao động, nghiên cứu, sáng tạo và đóng góp vì Hà Nội".

Có lẽ, không gì hơn chính những người đã từng vì tình yêu Hà Nội, nói về ý nghĩa của một giải thưởng "Vì tình yêu Hà Nội". Và có lẽ, cũng bởi ý nghĩa này, nên giờ đây "Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" đã không còn là giải thưởng của riêng TTXVN, riêng báo Thể thao & Văn hóa nữa, mà đã là giải thưởng của chung Hà Nội. Năm 2010, giải thưởng đã được đưa vào một trong những hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội của thành phố. Và năm nay, đích thân Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã đến dự và trao giải cho các tác giả đoạt giải.
Âu, đó cũng là bởi, sức lan tỏa của một tình yêu- tình yêu với Hà Nội!

Tuyết Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN