Đây cũng là những nội dung chính được thảo luận tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí?” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 19/4, tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, nhà đầu tư BOT.
Chủ trì buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, gần đây tình trạng người dân tập trung phản đối tại các trạm thu phí BOT diễn ra căng thẳng như: Trạm thu phí cầu Bến Thủy (ranh giới giữa các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Trạm thu phí Lương Sơn (Hòa Bình), trạm thu phí QL 32 (huyện Tam Nông, Phú Thọ), Trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)...
“Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc nhận diện và giải quyết còn lúng túng, trách nhiệm chưa rõ ràng, còn có sự đùn đẩy khiến vấn đề trầm trọng hơn, gây bức xúc cho xã hội. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân và một số giải pháp cho tình trạng này”, nhà báo Lê Xuân Sơn cho hay.
Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Bến Thủy 1 bị ách tắc nghiêm trọng do người dân tập trung phản đội trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1 sáng 6/4. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Ông Phạm Quang Dũng, Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tasco (nhà đầu tư nhiều dự án BOT) cho rằng, giải quyết tình trạng trên là phải đẩy mạnh truyền thông nhằm phản ánh rõ hiện trạng đang xảy ra ở các trạm thu phí để người dân hiểu rõ, có trách nhiệm chung tay với nhà nước giải quyết khó khăn.
“Đất nước không thể phát triển nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải giải quyết sớm tình trạng hiện nay để tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư. Các nhà đầu tư như chúng tôi thấy bức xúc, đầu tư BOT lãi rất thấp, chủ yếu lấy công làm lãi, tạo công ăn việc làm cho công nhân”, ông Phạm Quang Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Phạm Quang Dũng, thu phí là nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, chính sách như quy định bán kính cụ thể xung quanh trạm thu phí được miễn, giảm cho dân, mức giảm là bao nhiêu và nhà nước phải có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư.
Còn ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (nhà đầu tư thu phí trạm Bến Thủy) chia sẻ: "Lâu nay người dân Nghệ An và Hà Tĩnh luôn ủng hộ chúng tôi vì làm được rất nhiều việc cho địa phương. Lúc đầu người dân và dư luận vinh danh các nhà đầu tư BOT, nhưng nay lại có thái độ trái ngược".
Theo ông Huỳnh, có thể do việc tăng giá vé gây bức xúc, nhưng đầu tư lớn thì việc tăng giá là tất yếu.
“Chúng tôi khẳng định nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này?, Chúng ta phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Huỳnh chia sẻ.
“Tôi đề nghị cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu. Chúng tôi đang bị ảnh hưởng và nhận lại những điều không tương xứng với những gì đã tâm huyết bỏ ra", ông Huỳnh nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam , người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý khi hàng ngày họ đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí.
“Tôi đề nghị, phải lấy ý kiến người dân. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn”, ông Thanh nhấn mạnh.