Giải tỏa các bãi trông giữ xe gầm cầu - Kỳ cuối

Những lộn xộn, bất cập từ các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu đang đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm phải giải tỏa các tụ điểm này, để tránh phát sinh những hệ lụy khác.

Thông tư 39/2011/TT-BGTVT (ngày 18/5/2011) của Bộ GTVT nêu rõ: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.

Gầm cầu Chương Dương sau khi được giải tỏa quang đãng, sạch sẽ.


Vì thế, việc các gầm cầu Hà Nội nếu được cấp phép cho sử dụng vào mục đích thương mại khiến dư luận không khỏi bức xúc, nhất là về độ an toàn cầu nếu nguy cơ cháy nổ xảy ra. Chưa kể các khoản thu “khủng” hàng tháng từ các bãi giữ xe này, dự luận cũng đặt nhiều câu hỏi: “Có phục vụ cho mục đích bảo trì, bảo dưỡng cầu thường xuyên hay không?…

Nhận thấy sự mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do các đơn vị kinh doanh gầm cầu đang diễn ra, TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo Sở GTVT, cấp quận, huyện sớm có phương án giải tỏa. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, không ít người dân tại khu vực gần các cầu của Hà Nội, tỏ ra băn khoăn vì sẽ không biết gửi xe ở đâu. Thậm chí, nhiều người còn biết giao thông tĩnh của thủ đô Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu, nên việc các bãi giữ xe này nếu bị giải tỏa cũng sớm được cấp phép lại.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Gầm cầu thuộc kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ nhu cầu giao thông. Thực tế, hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân, do đó, giải pháp tình thế là phải sử dụng tạm thời một số lòng đường, vỉa hè, làm điểm đỗ xe, giải quyết nhu cầu gửi xe trước mắt của người dân.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã cấp phép tạm thời tại một số khu vực gầm cầu theo ý kiến chỉ đạo thành phố, để đáp ứng một phần giao thông tĩnh trên địa bàn, đồng thời phục vụ công tác quản lý bảo vệ chống lấn chiếm, chống đổ phế thải tại các khu vực gầm cầu.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội chỉ cấp tạm thời cho các doanh nghiệp, cấp quận, phường sở tại tận dụng đất trống các gầm cầu trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng, tối đa là 1 năm và các đơn vị phải cam kết đảm bảo yêu cầu về PCCC, đảm bảo các phương án về tổ chức giao thông, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực. Tuy nhiên, khu vực gầm các cầu của Hà Nội hiện đều được khai thác để trông giữ xe quá thời han cho phép.

Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết thêm: Theo Thông báo số 312/TB-TU của Thành ủy Hà Nội về đề án "Nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ, bãi đỗ xe tại Hà Nội, thành phố đã giao các quận xem xét tận dụng tạm thời gầm cầu vượt để tổ chức trông giữ xe, kết hợp với triển khai các bãi đỗ xe quy mô tập trung, hiện đại, lâu dài theo phương án ngầm, nổi hoặc cao tầng.

Vì vậy, trong khi chưa có quyết định thu hồi, thành phố vẫn còn tồn tại nhiều điểm trông giữ xe gầm cầu. Sở đang rà soát các điểm đỗ xe này, nếu phát hiện đơn vị nào sử dụng sai mục đích, sai nội dung giấy phép, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi giấy phép và giải tỏa.

Nói về nguy cơ gây cháy nổ tại các điểm trông giữ xe gầm cầu, ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định trong quá trình cấp phép, quản lý, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các đơn vị phải có phương án phòng chống cháy nổ được cơ quan chức năng phê duyệt. Nếu để xảy ra cháy nổ thì đơn vị được cấp phép phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Lực lượng liên ngành cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các điểm trông giữ vi phạm công tác PCCC.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) khẳng định: Những khu vực gầm cầu sau khi được giải tỏa, tới đây sẽ được trồng cây xanh, thảm cỏ, kết hợp trang trí và chiếu sáng, đảm bảo mỹ quan đô thị đúng như mục đích ban đầu.

Song, việc "xóa sổ" các điểm trông giữ xe gầm cầu cũng đang đặt ra bài toán nan giải tìm điểm đỗ xe cho người dân, nhất là trong nội đô. Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thúy Hương, sau khi bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Thanh Trì được giải tỏa, quang cảnh khu vực này lại trở nên mất mỹ quan đô thị, trong khi nhu cầu gửi xe của người dân tại đấy rất lớn. Vì vậy, các cấp chính quyền sở tại cần sớm có phương án xử lý. 

Bảo vệ kết cấu gầm cầu liên quan đến tuổi thọ của cầu. Các gầm cầu có bớt lộn xộn, giao thông Hà Nội có bớt căng thẳng và bế tắc hay không, phụ thuộc rất lớn đến công tác quản lý, mà cốt lõi nhất là vấn đề quy hoạch bãi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu của người dân.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu

Giải tỏa các bãi trông giữ xe gầm cầu
Giải tỏa các bãi trông giữ xe gầm cầu

Không gian dưới gầm các cầu trong nội đô nếu được trồng cây xanh sẽ vừa tạo được cảnh quan đô thị, vừa góp phần bảo vệ an toàn hệ thống móng, cột cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN