Dự kiến, ngân sách cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia năm 2014 sẽ chỉ còn 144 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2013. Vậy nên giảm đối tượng tiêm chủng hay cắt một số loại vắcxin là sự lựa chọn đang làm đau đầu “người trong cuộc”.
Chỉ đáp ứng 24% nhu cầu
“Kinh phí Nhà nước cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2014 chỉ còn 144 tỷ đồng. Nếu không có nguồn viện trợ, thì số kinh phí này chỉ đáp ứng 24% nhu cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu, chỉ tiêu của dự án TCMR, cũng như các cam kết quốc tế”, một cán bộ của chương trình TCMR, chia sẻ.
Nhờ tiêm chủng, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần. |
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết: “Chúng tôi đang rất khó khăn trong việc lập kế hoạch hoạt động của ngành trong năm 2014. Bởi lẽ, sẽ rất khó khi quyết định phải cắt giảm vắcxin hoặc giảm đối tượng tiêm chủng ngay trong thời gian tới”.
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, với nguồn kinh phí như vậy, thì TCMR sẽ không triển khai được tiêm nhắc lại vắcxin DTP (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi, cũng như không triển khai được tiêm nhắc lại vắcxin sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài ra, sẽ phải giảm 70% tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản B; không triển khai tiêm vắcxin tả và vắcxin thương hàn tại vùng có nguy cơ. Điều này dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng, mà đối tượng chịu tác động mạnh chính là trẻ em và phụ nữ có thai.
Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn muốn triển khai thêm hoặc thay thế một số loại vắcxin trong TCMR. Hiện nay, Việt Nam mới triển khai tiêm mở rộng 11 loại vắcxin nhưng ở Mỹ đã triển khai 24 loại vắcxin, còn trên thế giới đã có tới 30 loại vắcxin phòng bệnh. PGS.TS Nguyễn Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |
Bên cạnh đó, sẽ thiếu khoảng 20% kinh phí mua đối ứng vắcxin Quinvaxem mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với tổ chức viện trợ quốc tế; không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa thay thế thiết bị dây chuyền lạnh; không có kinh phí triển khai dự án từ tuyến Trung ương đến các xã phường như tập huấn, giám sát, công tác phí, hỗ trợ tiền vận chuyển vắcxin… Đặc biệt, cũng không có kinh phí triển khai tuyên truyền lợi ích của tiêm chủng, huy động các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm và hướng dẫn an toàn tiêm chủng.
“Tôi rất lo lắng về việc nâng cao tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng tại vùng sâu vùng xa. Các cán bộ TCMR tại đây đang phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn, thường phải đi xa hàng chục cây số để vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng… nên cần tiếp tục được hỗ trợ, động viên. Chưa kể, để nâng cao tỷ lệ, chất lượng tiêm chủng, cần xây dựng những đội tiêm chủng lưu động, tăng cường tập huấn… Tất cả đều cần phải có sự hỗ trợ về kinh phí nhưng trong tình hình ngân sách cắt giảm như hiện nay thì quả thực chúng tôi lực bất tòng tâm”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, cho hay.
Loay hoay tìm nguồn lực bổ sung
Ngày 2/12, trao đổi trực tiếp với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Quang Ân, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: “Các bộ, ngành cũng cần có sự chia sẻ với Nhà nước trước những khó khăn chung của nền kinh tế. Do đó, khi có chủ trương giảm 50% kinh phí đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có TCMR, Bộ Y tế đã họp bàn rất kỹ để cân nhắc việc “rót” kinh phí đối với từng chương trình y tế”.
Với TCMR, Bộ Y tế luôn dành sự quan tâm đầu tư đặc biệt, bởi lẽ qua hơn 25 năm hoạt động, TCMR đã và đang làm thay đổi rõ rệt mô hình bệnh tật ở Việt Nam. Từ năm 1995 đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin luôn đạt trên 90%. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. TCMR đang triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại vắcxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới 100% tỉnh, thành trên cả nước.
“Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, Bộ Y tế vẫn phải duy trì ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia khác nên ngân sách cho TCMR năm 2014 được quyết định là 144 tỷ như đại diện TCMR đã nêu ở trên”, ông Nguyễn Quang Ân lý giải.
Theo ông Nguyễn Quang Ân, ngành y tế cũng rất lo lắng khi ngân sách dành cho TCMR giảm 40% so với năm 2013. Ngoài việc cung cấp vắcxin thì lâu nay, TCMR còn phải lo rất nhiều hoạt động: Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ trực tiếp tiêm chủng (6.000 đồng/11 mũi tiêm đối với cán bộ công tác ở đồng bằng và 12.000 đồng cho vùng sâu, vùng xa), tổ chức tập huấn, hỗ trợ tiền vận chuyển vắcxin, duy tu bảo dưỡng dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin…
“Ngoài việc làm thế nào để duy trì hiệu quả của công tác tiêm chủng hơn 25 năm qua, chúng tôi cũng rất lo lắng để làm thế nào đạt được các mục tiêu y tế mà Việt Nam đã cam kết với các tổ chức quốc tế. Do đó, Bộ Y tế đã và đang rất nỗ lực để tìm nguồn lực thêm cho TCMR. Bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi nguồn lực từ các dự án, tổ chức quốc tế, Bộ Y tế cũng đã có văn bản trình Chính phủ đề xuất về việc cần có một nguồn kinh phí đặc biệt để hỗ trợ riêng cho 4 chương trình y tế, trong đó TCMR là chương trình ưu tiên số 1, sau đó là lao, sốt rét, sốt xuất huyết”, ông Nguyễn Quang Ân cho biết.
Nếu không triển khai được việc tiêm nhắc lại vắcxin sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi thì Việt Nam khó đạt được mục tiêu sẽ loại trừ được bệnh sởi vào năm 2017 như đã cam kết với các tổ chức quốc tế. Vắcxin sởi mũi 2 là mũi tạo miễn dịch cho những trẻ trước đây chưa được tiêm hoặc tiêm rồi nhưng chưa đủ kháng thể. Do đó, nếu không tiêm sởi mũi 2 thì sẽ bỏ sót một số trẻ chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi. Như vậy, trong cộng đồng sẽ có một nhóm quần thể không có kháng thể và nếu có sự xâm nhập của virút sởi thì sẽ bùng phát dịch ở những quần thể đó. GS .TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ. |
Phương Liên