Giảm nghèo bền vững nhờ vốn vay ưu đãi

Từ các chương trình cho vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua trên địa bàn huyện mới thành lập Phú Riềng (Bình Phước), nhiều hộ dân đã vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ và thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Người dân tộc S'tiêng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập. Ảnh minh họa: K GỬIH/TTXVN

Đặc biệt, tại các xã thuộc vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn vốn chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn.

Gia đình chị Thị Dim ở thôn 6, xã Long Tân vừa thoát hộ nghèo trong năm vừa qua. Đó là kết quả từ quá trình nỗ lực của gia đình và hưởng lợi các nguồn vốn chính sách hỗ trợ nhà nước ở địa phương. Trong số đó, phải kể đến nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng đã giúp gia đình chị Dim có thêm lực vững chắc phát triển sản xuất.

Năm 2017 gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng cho vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng từ nguồn vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Từ số tiền đó, chị đã đầu tư vào vườn điều trên diện tích 1 ha trên mảnh đất nhà nước cấp thuộc Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của Chính phủ. Số tiền còn lại chị đầu tư mua và làm chuồng trại bò.

Theo chị Dim, sau khi vay vốn lần đầu, gia đình còn vay thêm các chương trình với tổng cộng 62 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Từ nguồn vốn trên, chăn nuôi, trồng trọt càng suôn sẻ và đã trở thành nguồn thu chủ lực trong gia đình mà không còn phụ thuộc vào đồng tiền làm thuê cuốc mướn như trước.

Hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách xã hội, cuộc sống gia đình chị Dim đã đổi thay, thu nhập ổn định.

“Trước kia đời sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Từ khi nhận số tiền từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, chăm sóc trồng cây điều nên đời sống của gia đình tôi dần dần được ổn định hơn”, chị Dim phấn khởi nói.

Nhờ tính cần cù, chịu khó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất, nguồn vốn chính sách xã hội càng được gia đình chị phát huy hiệu quả. Mỗi năm chị có thêm nguồn thu vài chục triệu đồng từ bán bò. Với nguồn thu ổn định, năm 2020, gia đình chị chính thức thoát hộ nghèo.

Cũng ở xã Long Tân, gia đình bà Phạm Thị Nhâm ngụ ở thôn 5 đã thoát nghèo bền vững hơn 1 năm nay nhờ phát huy nguồn vốn vay ưu đãi. Với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm là kết quả của việc sử dụng có hiệu quả vốn vay của Ngân hàng Chính sách huyện Phú Riềng. Trước đó, năm 2017, gia đình bà vay nguồn vốn chính sách xã hội 12 triệu đồng chương trình vay nước sạch vệ sinh môi trường và 50 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

Theo bà Nhâm, mỗi năm gia đình bà duy trì nuôi 12 con dê. Mỗi năm thu nhập từ bán dê thương phẩm trên dưới 20 triệu đồng. Hiện nay, đàn lợn 13 con với trị giá trên 50 triệu đồng sẽ tạo nguồn thu ổn định hơn cho gia đình. Ngoài ra, từ chăn nuôi, nguồn phân hữu cơ chăn nuôi đã giúp gia đình bà Nhâm không còn phải tốn tiền mua phân hóa học bón cho cây điều và gần 1 ha cao su.

Bà Phạm Thị Nhâm cho biết, trước kia chưa có nguồn vay vốn Ngân hành Chính sách xã hội, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Không có vốn đầu tư chăn nuôi dê, lợn, chăm sóc cây điều nên gia đình phát huy không được hiệu quả. Từ khi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay, đầu tư vào vườn và chăn nuôi đã cho gia đình thu nhập ổn định.

Chứng kiến cơ ngơi nhiều hộ nghèo vay vốn đã thoát nghèo bền vững, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng Tăng Văn Trung cho biết, đây là kết quả của việc sau khi bình xét cho vay, hộ vay được tuyên truyền từ chính quyền địa phương cũng như hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn, bà con đầu tư sản xuất chăn nuôi mang lại hiệu quả. Khi nhận vốn thì bà con đầu tư, sản xuất chăn nuôi đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương, đảm bảo thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Là một huyện thành lập muộn nhất của tỉnh Bình Phước tách từ huyện Bù Gia Mập nặm 2015, tuy nhiên chính quyền địa phương đã luôn tích cực đưa nhiều chương trình nhằm xóa đói giảm nghèo; trong đó, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Điển hình, trong giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn huyện đã có 4.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho đầu tư sản xuất kinh doanh, duy trì và tạo công ăn việc làm cho gần 3.500 lao động. Đồng thời, giúp trên 970 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng 7.200 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 300 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

“Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tập trung thực hiện tốt huy động vốn, tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang ngân hàng để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn. Đặc biệt, hiện nay hoạt động giao dịch tại thôn, xã đã giúp cho các tổ tiết kiệm và vay vốn, người vay tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại. Ngân hàng thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ”, ông Tăng Văn Trung cho biết thêm.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách trên địa bàn huyện có thêm “điểm tựa” phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

K GỬIH (TTXVN)
Hiệu quả vốn vay ưu đãi trên huyện đảo Lý Sơn
Hiệu quả vốn vay ưu đãi trên huyện đảo Lý Sơn

Với 11 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã giúp người dân là hộ nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán tàu thuyền đánh bắt hải sản, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp trồng hành, tỏi là cây chủ lực của nông dân trên đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN