Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2015, với mức tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Do đó, ngành lao động và các cấp công đoàn tăng cường giám sát để việc tăng lương triển khai đúng quy định.
Hy vọng giảm bớt khó khăn
“Hiện chúng tôi làm theo khoán sản phẩm với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên chủ doanh nghiệp thông báo sẽ điều chỉnh một số khoản phụ cấp để cân đối với quỹ tiền lương và các khoản thu chi của doanh nghiệp. Bởi vậy, dù phấn khởi với quy định tăng lương tối thiểu nhưng chúng tôi vẫn khá băn khoăn chưa rõ thực hư thế nào”, chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân tại một xưởng may tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết.
Nhiều công nhân phấn khởi đón nhận quy định tăng lương tối thiểu vùng.Ảnh: CTV |
Anh Bùi Văn Hiệp, công nhân cơ sở sản xuất nước ngọt tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội) cũng rất hồ hởi khi biết lương tối thiểu vùng tăng thêm khoảng 400.000 đồng. Mức tăng này sẽ giúp anh Hiệp cải thiện phần nào sinh hoạt khi thuê nhà và các khoản chi tiêu khác.
Khác với những lao động làm việc tại một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng ổn định, một số người lao động tại một số doanh nghiệp khó khăn lại lo lắng về mức tiền lương. Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân cơ khí tại quận Bắc Từ Liêm cho biết: Gần 3 tháng nay, chúng tôi vẫn bị nợ một phần lương do doanh nghiệp chưa được thanh toán một số dự án đã triển khai. Do đó, người sử dụng lao động và ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi của công nhân.
Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2014, tình hình lao động và việc làm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Theo khảo sát, trong năm đã có hơn 60.000 doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, có gần 70.000 doanh nghiệp được thành lập mới với hơn 14.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất đã tạo thêm việc làm cho gần 1 triệu lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, chậm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động vẫn còn nhiều.
Tăng cường giám sát
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về một số doanh nghiệp sẽ cắt giảm một số khoản hỗ trợ cho người lao động để bù đắp lại việc tăng lương tối thiểu, tuy nhiên trong Nghị định 103 Chính phủ đã quy định không cắt giảm các khoản chế độ đã thỏa thuận với người lao động theo thỏa ước lao động và thỏa thuận khác. Tổng Liên đoàn Lao động đang chỉ đạo các cấp công đoàn và cơ quan quản lý lao động địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện đúng Nghị định 103 cũng như tăng cường giám sát với các doanh nghiệp thực hiện Nghị định 103, kết hợp với thưởng Tết, chăm lo đời sống công nhân, người lao động dịp Tết; đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn giám sát việc trả lương, thưởng, tránh xảy ra tranh chấp lao động dịp Tết.
Theo Nghị định 103/2014/NĐ - CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng, áp dụng từ 1/1/2015. Cụ thể vùng 1: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng); vùng 2: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng 3: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng) và vùng 4: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng). Theo lộ trình, đến năm 2017, mức tăng lương tối thiểu bình quân mỗi năm 15 - 20% nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu. |
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN - KCX) Hà Nội cho biết: Đơn vị đã phổ biến Nghị định 103 về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho 3 đối tượng là chủ doanh nghiệp, người làm công tác nhân sự, cán bộ công đoàn cơ sở. Các công đoàn cơ sở cùng với người sử dụng lao động quan tâm chuyển đổi lương tối thiểu vùng theo đúng quy định. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng từ vài năm nay. Hiện các cấp công đoàn đang phối hợp với người sử dụng lao động đàm phán tăng lương cho người lao động tăng 5 - 15% cho người lao động theo đúng năng suất mà họ xứng đáng được hưởng.
Theo ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Hóa chất Việt Nam: Lương bình quân của ngành đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 3 - 5%. Do đó, tiền lương tối thiểu vùng là điều kiện xem xét hỗ trợ tăng lương cho người lao động.
“Cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng, các cấp Công đoàn trong năm 2015 sẽ thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”. Theo đó, mức lương người lao động cao hơn mức lương tối thiểu, tương xứng với năng suất lao động, thành quả người lao động đóng góp cho doanh nghiệp. Đồng thời, công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân, lao động ở những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn...”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ngành lao động sẽ triển khai việc thanh kiểm tra việc tăng lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp. Những sai phạm cần công khai minh bạch để người lao động cùng tham gia giám sát. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng tăng cường nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động về vấn đề tiền lương, các chế độ được hưởng theo Luật Lao động để có biện pháp tự bảo vệ mình. Trong năm 2014, qua thanh tra cũng đã phát hiện một số đơn vị vi phạm việc chi trả lương và chế độ bảo hiểm cho người lao động và đã tiến hành xử phạt.
XM