Đặc biệt, xã Nà Nhạn có nhiều cánh rừng với trữ lượng khá lớn, cây rừng có độ tuổi lâu năm. Tuy nhiên, do công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn buông lỏng; nhu cầu về gỗ để làm vật liệu dựng nhà, làm chuồng trại chăn nuôi lớn; một số chủ rừng chưa thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ được giao nên nhiều năm qua, thực trạng xâm hại rừng, khai thác gỗ trái phép với mức độ, quy mô khác nhau vẫn diễn ra trên địa bàn.
Đại thụ bị cưa hạ, ngổn ngang trong rừng già Nà Pen
Xuất phát từ chân di tích cụm Tượng đài kéo pháo bằng tay (nằm ở hữu ngạn sông Nậm Rốm, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 km), vượt quãng hành trình khoảng 15km đường đồi, núi với độ dốc cao dần, nhiều đoạn quanh co, cheo leo men sườn đồi, lưng núi với vô số hố sâu, nhóm phóng viên lên được đỉnh núi ở độ cao khoảng hơn 1.100 m so với mực nước biển. Tiếp tục hành trình “hạ sơn” bằng những chiếc xe máy dã chiến, mất hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi tiếp cận được cánh rừng Nà Pen (bản Nà Pen, xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - nơi được chính quyền địa phương, ngành Kiểm lâm xác định là “điểm nóng” về tình trạng xâm hại rừng, khai thác gỗ trái phép.
Để tiếp tục xuyên vào rừng rậm Nà Pen, chúng tôi phải bỏ lại xe máy bên rìa rừng, chuẩn bị đủ lượng nước uống mang theo, thoa dầu gió lên chân tay để tránh muỗi, vắt đeo bám, lồng thêm tất chân và thay giày chuyên dụng, cài đặt điện thoại sang chế độ rung.
Sau hành trình vất vả xuyên dưới sự thâm u của rừng già, quần áo ướt đẫm mồ hôi và liên tục phải tiếp nước để khỏa lấp cơn khát, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những dấu vết minh chứng cho việc rừng Nà Pen bị cưa hạ và sơ chế trái phép trong thời gian qua. Luồn lách trên con đường nhỏ, hẹp, vướng víu bởi vô số cành cây nhỏ và dây leo chằng chịt trong rừng, chúng tôi bắt gặp những gốc cây bị chặt bằng dụng cụ thủ công hoặc cưa hạ bằng cưa xăng. Tiếp tục hành trình, chúng tôi lại bắt gặp những thân gỗ nằm ngổn ngang cạnh những tấm ván đã sơ chế, cưa xẻ có kích thước dài, rộng khác nhau mà “lâm tặc” chưa vận xuất khỏi hiện trường. Vết tích tại hiện trường và màu gỗ đã xỉn màu chứng tỏ hiện trường đã xảy ra từ lâu.
Tiếp tục di chuyển, chúng tôi lại bắt gặp một thân cây to, cao khoảng hơn chục mét bên cạnh lối đi, trên thân cây ở độ cao gần 1m so với mặt đất có một vết chặt sâu, một mảng lớn vỏ và thân cây đã khuyết. Người dẫn đường cho chúng tôi biết, cây nào có vết chặt như vậy là “lâm tặc” đã “đánh dấu” như một sự khẳng định quyền sở hữu và số phận các cây bị “đánh dấu” này đã nằm trong danh mục bị chặt, hạ.
Trước lúc khép lại hành trình xuyên rừng khi mặt trời còn kịp gác lại phía đầu núi, chúng tôi bắt gặp một gốc đại thụ đã bị cưa hạ có chu vi (phần gốc) khoảng 3 người ôm. Nằm bên cạnh là một thân cây khổng lồ, dài khoảng hơn chục mét đã bị cưa hạ; nhiều khúc, lóng gỗ có chu vi một người ôm vẫn còn nằm lại tại khu vực này. Mặc dù vết tích hiện trường đã xảy ra từ lâu, nhưng mức độ bị xâm hại nghiêm trọng vẫn còn thể hiện rõ.
Gian nan bài toán giữ rừng ở các bản vùng cao
Theo ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Nà Nhạn có diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, trong đó diện tích có rừng gần 3.000 ha. Toàn xã có 14 thôn, bản, trong đó nổi lên một số bản vùng cao như Huổi Chổn, Pá Khôm, Nà Pen… là điểm nóng về thực trạng người dân lấn chiếm, phát rừng tái sinh (trên diện tích nương cũ đã bỏ hoang) làm nương, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Cùng với đó, do tập quán làm nhà gỗ của bà con địa phương, ngoài gỗ ra không có vật liệu nào khác để thay thế nên người dân đã vào rừng “tỉa” cây rừng lấy gỗ làm nhà, sửa chữa nhà.
Cũng theo ông Mùa A Hừ, diện tích rừng trên địa bàn cơ bản đã giao cho cộng đồng quản lý, hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng. Về công tác quản lý dưới góc độ Nhà nước, chính quyền xã Nà Nhạn cũng đã cho người dân ký cam kết không xâm hại rừng, đồng thời thành lập nhiều tổ công tác dân phòng tại chỗ (mỗi tổ có từ 5 đến 7 người) để tuần tra, quản lý, bảo vệ, phát hiện hành vi vi phạm chặt phá rừng. Tuy nhiên, một số bản vùng cao vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm diện tích rừng tái sinh.
Khu vực rừng già, rừng phòng hộ ở rẻo cao Nà Pen, nơi có 2 bản Nà Pen 1 và Nà Pen 2 được đánh giá là địa bàn có nguy cơ cao xâm hại rừng do dân số sinh sống đông (có hơn 220 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, 100% là cộng đồng dân tộc Mông). Đặc thù sinh sống gần rừng tái sinh, rừng phòng hộ, trong khi tập quán canh tác của người dân đa phần là làm nương, nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi làm bằng vật liệu gỗ, nên nguy cơ xảy ra việc xâm hại rừng còn cao, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực rẻo cao Nà Pen luôn đứng trước những khó khăn, sức ép lớn.
Năm 2020, trên địa bàn xã Nà Nhạn đã xảy ra 11 vụ liên quan đến vi phạm, xâm hại rừng, trong đó khởi tố 1 vụ do đối tượng có hành vi phá rừng phòng hộ với diện tích hơn 4.000 m2. Theo Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên), thời gian qua trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật như tại bản Nà Pen, bản Nà Nọi (xã Nà Nhạn), bản Hua Rốm, bản Xôm (xã Nà Tấu), bản Co Cượm, Đông Mệt, Pú Sung (xã Pá Khoang)…
Trong văn bản trả lời báo chí, liên quan đến những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở một số địa bàn hiệu quả chưa cao; nhận thức về rừng của người dân chưa đồng đều, do vậy tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, công tác bảo vệ rừng của chính quyền ở một số địa phương chưa thật đầy đủ, thiếu sự quan tâm. Mặt khác, nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, gia dụng, chất đốt, gỗ cho công trình xây dựng còn lớn, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Một số chủ rừng chưa thực hiện hết trách nhiệm, nghĩa vụ được giao, còn buông lỏng quản lý để rừng bị chặt phá, khai thác trái pháp luật, nhưng không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời…
Theo Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ, để công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn mang lại hiệu quả, Hạt Kiểm lâm thành phố sẽ sắp xếp, kiện toàn lực lượng kiểm lâm địa bàn; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện các vụ vi phạm. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, Thành ủy, UBND thành phố để lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, UBND các địa phương, nhằm thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác giao đất, giao rừng, tăng các biển cảnh báo bảo vệ rừng cũng được Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ đẩy nhanh tiến độ.