Khi vỉa hè bị lấn chiếm, việc người đi bộ không còn lối đi, phải xuống lòng đường “cùng tham gia giao thông” với xe máy, xe đạp, ô tô là lẽ đương nhiên. Không ít trường hợp khách bộ hành bị tai nạn giao thông do xe ô tô, xe máy "đồng hành" gây ra.
Ông Trần Văn Hùng, nhà trên đường Xuân Thủy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy không giấu nổi sự bức xúc: “Như luật bất thành văn, vỉa hè trước mặt là “lãnh địa” của mỗi gia đình có nhà mặt tiền. Thế nên, cái gọi là “của chung” ấy rất dễ bị chiếm dụng. Khi vỉa hè bị chiếm dụng thì khách bộ hành chỉ còn cách xuống lòng đường để đi và vô tình lấn chiếm đường của các phương tiện tham gia giao thông”.
"Nói dại chứ lỡ đi dưới lòng đường mà vấp phải cục gạch hay cái gì đó mà ngã ra thì không biết chuyện gì xảy ra. Xe máy, ô tô cứ vèo vèo sát người. Cách đây không lâu, một người bạn tôi khi đi bộ buổi tối, do tránh mấy quán ăn nằm trên vỉa hè phố Bạch Mai đã bị xe máy đâm gãy chân, chấn thương sọ não, phải nằm viện hơn một tháng. Tôi mong là các nhà quản lý đô thị sớm giải được bài toán chiếm dụng vỉa hè ở Hà Nội" - bà Lê Thị Minh, 65 tuổi, ở phố Hồng Mai cho biết.
Vỉa hè đã bị biến thành nơi trông giữ xe máy. Ảnh: Lê Phú |
Tháng 4/2008, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 20/2008/QĐ - UBND về việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó quy định cụ thể nội dung quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố. Hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khi sử dụng hè phố, lòng đường vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện đúng các quy định của UBND thành phố. Những hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường bị xử phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tùy theo tính chất, vi phạm, mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm điểm kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng vẫn cứ diễn ra. Cứ sau mỗi đợt ra quân dẹp chợ cóc, chợ tạm, bày bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường được vài ngày thì đâu lại vào đấy. Dư luận đặt câu hỏi tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” sẽ còn tồn tại đến bao giờ?
Để vỉa hè thực sự dành cho người đi bộ thì cần thực thi rất nhiều biện pháp, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò của tổ bảo vệ dân phố trong việc duy trì trật tự đô thị ở khu dân cư, có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn...
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cho rằng: “Để giải quyết bức xúc của nhân dân về các vi phạm vỉa hè, lòng đường thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của các lực lượng công an, dân phòng, quản lý đô thị, trật tự giao thông. Những lực lượng này phải phối hợp đồng bộ với nhau đảm bảo quản lý tốt lòng đường, hè phố. Nhưng quan trọng hơn cả là chính người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện các qui định của các cơ quan chức năng cũng như những qui định của phápluật”.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, cảnh sát khu vực phường Bồ Đề, quận Long Biên, cho rằng: “Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong phường thực hiện tốt các quy định của thành phố. Phát huy vai trò “nhóm nòng cốt” ở khu dân cư trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Các lực lượng xử lý vi phạm theo đúng qui định của pháp luật, kiên quyết giải quyết triệt để những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. Nếu sự phân cấp còn có những bất cập thì câu chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn... là bài toán nan giải”.
Rõ ràng là những qui định để bảo đảm cho đường thông hè thoáng đã có rất đầy đủ nhưng vấn đề lại ở chỗ người thực hiện và người đôn đốc thực hiện.
Nhóm PV
Bài cuối: Quy hoạch các điểm giao thông tĩnh