Từ thành phố Vinh ngược lên phía Tây hơn 200 km mới đến thị trấn Mường Xén, thủ phủ của huyện Kỳ Sơn, thêm hơn 50 km đèo dốc quanh co để đến xã biên giới Mỹ Lý. Xe ô tô dừng ở trụ sở UBND xã, chúng tôi lên thuyền ngược dòng sông Nậm Nơn bởi như lời trung tá biên phòng Võ Văn Quỳnh, người có 8 năm về tăng cường ở cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, thì đi xe máy về bản khó khăn hơn. Nhưng để đến được cột mốc biên giới 397 thì đoàn cũng phải hai lần “tăng bo” leo bộ qua những tảng đá lớn để cho thuyền vượt ghềnh nước chảy khá xiết dù đang cao điểm mùa khô.
Chỉ 6 tháng trước, cả nước biết đến những trận lũ lịch sử càn quét Kỳ Sơn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, thì nay huyện miền Tây xứ Nghệ giáp biên giới này lại đón chúng tôi bằng cái nóng hầm hập đầu hè cùng những cơn gió Lào khô khốc. Một thầy giáo ở điểm trường tiểu học bản Xiềng Trên nói vui: “Buổi trưa em để chậu nước trong phòng nghỉ mà còn nổi bọt lăn tăn”. Người dân địa phương cho biết suốt từ Tết đến giờ không có một hạt mưa.
Các thầy cô giáo cắm bản lại nhiệt tình cho chúng tôi mượn xe máy để vào khu sản xuất của đồng bào ở sâu trong núi (người địa phương vẫn quen gọi là khu C5). Cây cối hai bên đường thiếu nước toàn một màu lá úa, bụi mù mịt theo bánh xe máy đã được “độ” để chuyên leo đèo dốc. Nhưng càng gần đến nơi lại càng mát mắt bởi màu xanh của những mô hình kinh tế hộ gia đình được trợ lực từ nguồn tín dụng ưu đãi theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay trước cửa khu gia trại của ông Vi Văn Khạt, dân tộc Thái, là một hồ trữ nước nhỏ, mấy cây xoài, cây mít xum xuê quả. Một lúc sau thì nghe tiếng lốc cốc mõ tre của đàn trâu bò do ông Khạt lùa về. Ông Khạt cho biết, năm 2013 ông được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kỳ Sơn cho vay 30 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ cần cù chịu khó, năm 2017 gia đình ông đã bớt khó khăn và trả hết được nợ ngân hàng. Đến năm 2018, ông Khạt lại được vay 50 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ cận nghèo. Nguồn vốn tiếp sức giúp ông mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến năm 2021, ông Khạt trả hết được nợ và lại tiếp tục được vay 70 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ mới thoát nghèo. Đến nay thì đàn trâu bò của ông đã lên đến 20 con, ông mới bán bớt 7 con bò để làm nhà khang trang và sắp khánh thành.
Một tấm gương vươn lên thoát nghèo khác của xã Mỹ Lý là gia đình bà Vi Thị Xuyên ở bản Xốp Tụ. Trước đây, gia đình bà Xuyên là hộ nghèo trong nhiều năm liên tục, từ khi được liên tục vay vốn theo các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đến nay gia đình bà đã thoát nghèo bền vững, trở thành một trong những hộ khá giả nhất của bản.
Bà Xuyên kể: Năm 2010, gia đình bà vẫn thuộc diện hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu bò. Sau khi trả nợ đầy đủ, năm 2015 bà tiếp tục xin vay 50 triệu đồng để tăng đàn trâu bò. NHCSXH còn đồng hành cho gia đình vay 26 triệu đồng để cho con đi học. Sau đó, 1 cháu tốt nghiệp đại học, 2 cháu đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng được NHCSXH cho vay 220 triệu đồng, các cháu đều có việc làm và thu nhập ổn định, gia đình bà đã hoàn trả xong 220 triệu đồng cho ngân hàng. Năm 2018 gia đình bà thoát nghèo, lúc này bà vay 100 triệu chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi lợn và gà đen bản địa. Còn tiền bán 7 con trâu bò được 300 triệu, gia đình bà mua xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hóa và vật liệu xây dựng cho bà con trong bản.
Hành trình thoát nghèo tóm tắt là vậy, nhưng để thành công được trên vùng đất khó này không hề đơn giản. Nuôi còn gì, trồng cây gì để hiệu quả luôn là điều phải tính toán kỹ. Gia đình bà Xuyên là hộ đầu tiên trong bản trồng bí, vụ đầu tiên đã lãi 80 triệu đồng, nhưng đến vụ sau giá bí lại hạ vì nhiều người trồng. Nhà bà Xuyên hiện có hơn 300 con gà, 8 con lợn nái bản địa và chuẩn bị mở hướng nuôi dê. Hỏi về bí quyết thoát nghèo, ông Lô Văn Luân, chồng bà Xuyên cười bảo “phải chịu khó thôi”.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, ông Lương Văn Bảy cho biết, xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vẫn còn 3 bản chưa có điện lưới quốc gia, 6 bản chưa có sóng điện thoại, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 75% tổng số hộ. Song trong vài năm trở lại đây, Mỹ Lý đã có sự phát triển khá nhanh, kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc nâng lên rõ rệt, nhất là thu nhập của người dân. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những đòn bẩy quan trọng giúp cho Mỹ Lý đổi thay, tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo an sinh, chăm lo học hành cho con cái của đồng bào nơi biên giới...
Ông Hoàng Sơn Lam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn cũng là Phó giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Nghệ An được tăng cường lên huyện biên giới này gần 1 năm nay, nắm khá vững địa bàn. Ông Lam cho biết dư nợ tín dụng chính sách ở xã Mỹ Lý đến nay đạt 35 tỷ đồng và thường xuyên không có nợ quá hạn. Điều này có nghĩa là nguồn vốn của Chính phủ được bảo toàn, xoay vòng trợ lực các hộ đối tượng chính sách; đồng thời đồng bào vay vốn đã sử dụng hiệu quả, không có tâm lý “Nhà nước cho không”. Tính trên toàn huyện Kỳ Sơn, tổng dư nợ đến quý I/2023 đạt trên 392 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các hộ chính sách trên địa bàn.
Rời Mỹ Lý, chúng tôi càng thấu hiểu những khó khăn, gian truân của công tác giảm nghèo ở nơi đây, nhưng cũng có thêm niềm tin vào sự phát triển khi đồng bào đang thay đổi nhận thức và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để duy trì “dòng chảy” nguồn vốn tín dụng chính sách luôn làm “bệ đỡ” kịp thời.