Trong khi cả làng đã bỏ nghề do "bí đầu ra", thì hộ gia đình chị Lợi - anh Hùng, ở Tứ Trưng, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn thủy chung gìn giữ nghề làm hương truyền thống của làng.
Theo những người cao tuổi trong làng, nghề làm hương Tứ Trưng có từ lâu đời. Từ nhỏ, các cụ đã được học cách làm hương rồi lại truyền cho thế hệ trẻ. Hương Tứ Trưng đặc biệt bởi có mùi thơm dịu mát, cháy hết nén và tàn hương vòng xoắn lộc. Trước đây, Tứ Trưng có tới gần 30 hộ gia đình sản xuất hương quanh năm, sản phẩm được xuất đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng nay, chỉ còn một hộ nhà chị Lợi- anh Hùng làm hương.
Chị Lợi tâm sự: “Do thị trường cạnh tranh và đầu ra khó khăn, nên các hộ trong làng đều bỏ nghề hết. Gia đình tôi may mắn là làm theo đơn đặt hàng lâu năm, nên không phải lo lắng về đầu ra”.
Khi được hỏi về bí quyết để làm được nén hương tốt, anh Hùng cho biết: Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, khâu chọn lựa nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu chính để làm ra hương đen gồm nhựa trám, than hoa mua trên Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa... Bước quan trọng nhất trong quá trình làm hương là khâu pha chế giữa nhựa trám và than hoa. Khi pha chế hai thứ trên đạt tiêu chuẩn sẽ cho vào máy nghiền thành bánh, cắt ra từng miếng hấp cách thủy, rồi mới xe hương bằng tay.
Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày; cần tránh đưa hương qua lửa để tránh cho hương sẽ bị mất mùi. Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu của hương Tứ Trưng.
"Hiện nay, người làm hương đang đứng trước nhiều khó khăn. Đầu tiên là giá nguyên liệu đầu vào, giá hương liệu ngày càng tăng cao, nên thu nhập giảm sút đáng kể. Thứ nữa do thị trường tiêu thụ hẹp dần nên các hộ chỉ sản xuất cầm chừng, bán đến đâu làm đến đó. Mặc dù thời gian bảo quản của hương từ 3-5 tháng, nhưng các gia đình chỉ dự trữ lượng hương nhỏ trong nhà. Vì hương chỉ bán chạy vào ngày rằm, mồng một và các ngày lễ, Tết, nên các hộ sản xuất nhỏ lẻ chỉ làm túc tắc, tranh thủ thời gian rảnh. Đó là chưa kể đến phải cạnh tranh giá thành với sản phẩm ở các tỉnh khác đến, đa dạng hơn về chủng loại khiến người làm hương không còn mặn mà với nghề". Ông Đặng Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Trưng |
Hiện tại, sản phẩm hương thơm các loại bung ra nhiều. Có nhiều loại hương dùng hương liệu hóa học, công đoạn làm hương nhàn, giá thành rẻ. Nhưng hương Tứ Trưng vẫn "chung thủy" với ngón nghề truyền thống, chỉ sử dụng chất liệu từ cây cỏ thiên nhiên, lành, không độc hại. Có lẽ vì chung thủy với cách làm truyền thống, đòi hỏi sự kỹ càng, cẩn trọng trong từng khâu, từng công đoạn, tốn sức nên thu nhập thấp.
Anh Hùng tâm sự: "Hương có nhiều loại: Hương nén, hương vòng, hương vuốt, hương sào, nhưng người Tứ Trưng chúng tôi chủ yếu làm hương nén, là loại hương vẫn thắp trong các gia đình, que hương có chiều dài chừng 30 - 40cm, đường kính 2 - 3mm, cốt làm bằng tre ngâm dễ cháy, phần thuốc bọc quanh khoảng 2/3 chiều dài nén hương. Giá bán buôn là 50.000 đồng/100 cây hương, giá bán lẻ 500 đồng/cây".
Hào hứng kể về từng công đoạn sản xuất hương bao nhiêu, anh Hùng lại tỏ ra nuối tiếc bấy nhiêu khi nói về việc mai một dần nghề truyền thống ở thời điểm hiện tại. Không nuối tiếc sao được khi nghề truyền thống ấy đã gắn bó với họ cả cuộc đời, mang lại cho gia đình, làng xóm sự phồn thịnh, nổi tiếng xa gần cho Tứ Trưng nay chỉ còn lại duy nhất có gia đình anh gắn bó với nghề. Anh Hùng chia sẻ: Trước đây, gia đình anh làm hương thủ công rất vất vả, phải tiếp xúc với hương liệu nghiền nhỏ, khi trộn bụi bay tứ tung, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, gia đình anh đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, nên chỉ việc đưa tăm hương vào máy là đã tạo ra một cây hương thành phẩm. Nhờ đó, mỗi ngày, gia đình anh làm được khoảng gần 2 vạn hương. Mỗi năm nghề này cũng cho gia đình anh Hùng thu nhập trên 40 triệu đồng.
Tết Nguyên đán đã cận sát, hi vọng cái tết mới năm nay sẽ đem đến sức sống mới cho những người nhiệt huyết với nghề truyền thống. Người làm hương Tứ Trưng cần mẫn, chăm chỉ để giữ lại cái nghề tổ tiên gia truyền và hi vọng chính quyền địa phương sẽ sớm tìm ra hướng đi cho nghề để nghề làm hương sẽ không bị mai một.
Nguyễn Thị Thảo