Theo đại diện Csaga, bằng việc đổ lỗi cho nạn nhân, xã hội thừa nhận phụ nữ phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình cũng như những giá trị của họ. Một người phụ nữ tốt luôn cần phải cư xử chuẩn mực, nếu không sẽ tất yếu bị ngược đãi. Trong khi đó, người thực hiện hành vi bạo lực hay cộng đồng xung quanh hiếm khi bị đổ lỗi mặc dù chính những cộng đồng đó cần đứng lên đấu tranh với những chuẩn mực xã hội tiêu cực và chống bạo lực giới.
Trung tâm Csaga sẽ thực hiện Dự án Brave do Tổ chức CARE tài trợ, nhằm thay đổi nhận thức cũng như định kiến xã hội về nạn xâm hại tình dục và nạn nhân của nạn này.
Dự án Brave sẽ có 4 chương trình là: Be Strong (tập trung vào đối tượng nữ công nhân, nữ nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên nữ, phụ nữ buôn bán nhỏ, nhằm giúp họ khẳng định nội lực, tham gia tích cực các khía cạnh xã hội); Men Move (hỗ trợ nhận thức giúp nam giới phá vỡ khuôn mẫu, định kiến để giảm thiểu bạo lực giới); Wind of change (xóa bỏ phân biệt, kỳ thị đối với cộng đồng nữ yêu nữ Việt Nam); Child care (giúp giảm thiểu xâm hại tình dục và bắt nạt học đường đối với trẻ em Việt Nam).
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) cho biết: Nói đến bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục nói riêng, dư luận xã hội thường tập trung vào đối tượng phụ nữ ở nông thôn, miền núi nơi có trình độ văn hóa và dân trí thấp. Nhưng thực tế cho thấy, giới nữ đang làm công việc văn phòng, những phụ nữ buôn bán ở chợ cũng là đối tượng đã và đang phải chịu đựng nhiều vấn đề về bạo lực giới.