Giữ bình yên cho mỗi chuyến tàu

Có mặt tại Trạm gác chắn trên đường Hòa Phong nối với đường Nguyễn Tất Thành thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mới thấy hết nỗi vất vả, cơ cực của những người "canh giữ bình yên" cho mỗi chuyến tàu khi đi qua nơi đây. Đêm nay, lại một đêm trắng với các nữ công nhân gác chắn tại trạm gác này.   

Ảnh minh họa.


Nhọc nhằn nghề gác chắn   

Màn đêm buông xuống, mưa nặng hạt dần, gió rét rít từng hồi. Các phương tiện giao thông vẫn ngược xuôi trên các nẻo đường. Bỗng, reng... reng... reng... Âm thanh từ hộp đài thao tác vang lên, đồng thời chuông điện thoại phụ trợ cũng đổ dồn. Nhanh như chớp, ai vào việc người nấy. Chị Bùi Thị Nhân cầm đèn báo hiệu, một chị đồng nghiệp cũng chạy tới để đẩy gác chắn đón tàu tới.   

Mỗi ngày, có hàng trăm lượt phương tiện lưu thông trên đường nhưng ít ai để ý tới nữ công nhân gác chắn. Dù nắng gắt, mưa giông, gió rét, đêm tối họ đều lặng lẽ hoàn thành công việc của mình, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và giao thông đường bộ. Vào dịp Tết, tàu tăng cường chuyến để phục vụ nhu cầu của hành khách về quê, những ngày đó công việc của các chị càng vất vả hơn. Nhiều chị đã nhiều năm đón giao thừa trên trạm.  

“Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu qua. Riêng ca đêm khoảng 18-21 chuyến/đêm. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để đóng được gác chắn đường an toàn không hề đơn giản. Ban ngày nếu bị tắc đường, kẹt xe nhiều khi còn bị người đi đường có những lời lẽ khiếm nhã. Buổi tối còn nguy hiểm hơn bởi nhiều khi đêm khuya vắng vẻ, các phương tiện cứ lao thẳng vào đường chắn…”, chị Bùi Thị Nhân tâm sự.   

Chị Nhân vào ngành đường sắt từ năm 1986, nhưng chị mới bén duyên với công việc gác chắn này được hơn 10 năm. “Hơn 10 gắn bó, những đêm thức trắng, những ngày mưa dầm,…công việc vất vả là vậy nhưng tôi thấy rất vui bởi mình đã góp một phần nhỏ đảm bảo sự an toàn giao thông cho những chuyến tàu và những người qua lại trên đoạn đường này,…”, chị Nhân chia sẻ.   

Tại Trạm gác chắn (Km 76+500), khu vực chợ trung tâm thành phố Việt Trì, người đi đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị Phan Thị Hường, nữ công nhân miệt mài, cần mẫn đảm bảo an toàn cho hàng trăm chuyến tàu trong gần 30 năm qua. “Đây là đoạn đường vô cùng phức tạp và thường xuyên xảy ra xô xát. Do đó, đòi hỏi người làm công việc gác chắn không những phải nhanh trí mà còn phải biết xử lý tình huống linh hoạt,…”, chị Hường nói.   

Lý giải việc phải “biết cương, nhu” trong mọi tình huống của người công nhân gác chắn, chị Hường cho biết: Người làm nghề gác chắn luôn đòi hỏi cách xử lý linh hoạt theo kiểu “mềm nắn, rắn buông”. Ví dụ: có lần trời nắng, đường đông nhiều người khó chịu và văng tục, thậm chí là lăng mạ người gác chắn. Tình huống đó thì cần phải nhẹ nhàng giải thích cho người tham gia giao thông để họ hiểu và thông cảm, nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ. Hoặc có những tình huống gặp kẻ cố tình trêu trọc phải tỏ ra “dằn mặt” thì họ mới đi và không gây rối nơi làm việc.   

Chị Hường tâm sự: Gần 30 năm làm nghề gác chắn, mỗi lần nghĩ lại tình huống hồi tháng 6/2013 mà tôi lại thấy hoảng. Đó là thời điểm khoảng 1g sáng. Khi có tín hiệu tàu sắp đến, tôi ra đẩy gác chắn. Bỗng có một chiếc taxi chở 8 thanh niên đang nhảy múa trên xe lao thẳng vào gác chắn. Một đồng nghiệp của tôi đi làm nhiệm vụ dừng tàu để đảm bảo an toàn.

Đám thanh niên bất ngờ xuống xe rồi đòi đẩy gác chắn ra và bỏ đi. Tôi cố gắng bình tĩnh mời anh tài xế vào trạm để làm việc. Tuy nhiên sau đó, bỗng dưng xuất hiện thêm nhiều thanh niên hùng hổ vây quanh tôi. Họ chửi bới, lăng mạ,… tôi cố giữ bình tĩnh giải thích cho họ hiểu rồi chờ người đến viện trợ. Cuối cùng nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp nên đám thanh niên đó đã bỏ đi. "Nghề này nó thế đấy, phải thật sự bình tĩnh và xử lý tình huống khéo", chị Hường nói.    

Trách nhiệm với nghề   

Khó khăn và nguy hiểm lúc nào cũng rình rập nhưng tinh thần và lòng yêu nghề của các chị không bao giờ cạn. Ngoài việc giữ bình yên cho những chuyến tàu, các chị còn làm nhiều việc có ý nghĩa như cứu đứa bé lững thững qua đường lúc tàu sắp đến, cho một cháu học sinh ngủ nhờ vì đêm tối cháu không kịp về nhà,…   


Chị Hường tâm sự: Rất may là tôi có chồng cùng ngành nên hiểu và thông cảm với công việc của vợ. Chồng tôi luôn động viên tôi cố gắng vượt qua để làm tốt nhiệm vụ mà ngành giao phó.   

Theo chị Nhân, ở thế hệ các chị đã gắn bó nhiều năm với ngành đường sắt thì có tới 60-70% các chị lấy chồng cùng nghề. “Lấy chồng cùng ngành mới thông cảm được công việc đêm hôm của chúng tôi. Đặc biệt là lúc phụ nữ có con nhỏ”.

Chị Hường vừa nói vừa kể cho chúng tôi câu chuyện về cuộc sống của đôi vợ chồng cùng làm nghề gác chắn: “Nếu hai vợ chồng cùng nghề gác chắn và làm chéo ca thì duy nhất có một ngày trong tuần không trùng lịch, gia đình sẽ được sum họp”. Những phút giây sum họp gia đình như vậy là nguồn động viên để các chị vượt qua khó khăn.   

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Quản lý đường sắt Vĩnh Phú cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 24 trạm gác chắn. Số lao động nữ làm tại các trạm gác chiếm đa số. Ngoài việc quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nữ, đặc biệt là chị em lao động tại các trạm gác chắn, việc chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp của nữ công nhân viên chức lao động được công ty đặc biệt chú trọng. Thời gian tới, công ty tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất để chị em khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.   

Chuông điện thoại đổ dồn, một chuyến tàu nữa chuẩn bị tới. Các chị lại nhanh chóng lao ra giữa đêm tối để làm nhiệm vụ. Tiếng còi tàu nhỏ dần và đoàn tàu khuất dần trong đêm. Các chị trở về trạm với nụ cười tươi, bỏ lại đằng sau sự nguy hiểm và nỗi vất vả của phận nữ giữa đêm hôm. Chính sự lạc quan và tinh thần trách nhiệm với nghề của các chị đã giúp hàng trăm chuyến tàu qua được an toàn. 


Vũ Bắc
Phụ nữ Miền sơn cước
Phụ nữ Miền sơn cước

Phụ nữ vùng sơn cước các tỉnh Tây Bắc đang đóng góp công sức cho cuộc sống của cộng đồng cư dân nơi đây. Ngay từ khi lọt lòng, họ cùng mẹ lên nương làm rẫy, xuống chợ, để rồi lớn lên một chút đôi vai đã lại gùi trên lưng như người bà, người mẹ của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN