Theo các hộ dân làm nghề heo đất Lái Thiêu, nghề làm heo đất xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ trước. Ngày đấy, vùng Lái Thiêu có hơn 300 hộ làm heo đất, ngày nay chỉ còn khoảng hơn 20 hộ gắn bó với nghề này. Tuy số hộ theo nghề làm heo đất đã giảm nhiều nhưng nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, chủ cơ sở heo đất Năm Tèo (ở khu phố Hòa Long, Phường Lái Thiêu, Bình Dương) cho biết, không biết nghề thủ công này xuất hiện từ khi nào và lý do vì sao người ta gọi làng nghề “heo đất” như hiện nay, nhưng ông chỉ biết từ khi sinh ra, ông đã được ngửi mùi sơn, được thấy con heo đủ màu sắc, lớn lên thì được người lớn dạy cho cách nặn đất sét, cách đổ khuôn heo, cách tô màu, vẽ hoa văn… Dần dần, công việc làm heo đất gắn với ông như máu thịt đến hôm nay và ông đang truyền nghề lại cho thế hệ con cháu.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghề gì khác ngoài những công việc từ heo đất. Công việc này đã ăn sâu vào xương, thịt của tôi trong hơn 50 năm. Hiện nay, cả gia đình tôi ai cũng theo nghề làm heo đất của cha ông”, ông Trịnh Ngọc Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, bình quân một lao động sống với nghề làm heo đất mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 - 120.000 đồng/12 giờ lao động. Ngày xưa, khu vực xóm “heo đất” Lái Thiêu còn các lò nung heo đất ngay tại nhà, tuy nhiên ngày nay, do quá trình đô thị hóa nên các lò nung được chuyển ra xa thành phố và hoạt động chủ yếu tại khu vực huyện Tân Uyên (Bình Dương).
Sau khi heo đất được nung ở huyện Tân Uyên, sẽ được chuyển về xóm “heo đất” Lái Thiêu hoàn thiện khâu sơn màu và giao cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu.
Ông Sơn cho biết, để có một chú heo hoàn chỉnh, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên là tạo hình thành khuôn. Đất sét được đổ vào bồn, hòa vào nước và keo để nhào nặn cho dẻo và có độ gắn kết, sau đó trộn đều đất. Đất sét sau khi được trộn sẽ đổ vào khuôn. Để heo được đẹp, nghệ nhân sẽ cạo bỏ phần dư hoặc bị lỗi trước khi cho vào lò nung.
Hiện nay, heo đất Bình Dương đã và đang vươn rộng ra thị trường các nước lân cận trong khu vực. Theo đó, heo đất Bình Dương rất được ưa chuộng ở các nước như: Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… Ngoài ra, các kiều bào ở châu Âu khi ghé thăm Bình Dương cũng chọn heo đất và coi đó như là một trong những món quà lưu niệm ý nghĩa để mang về tặng người thân trong gia đình.