Theo các nghiên cứu hiện có, cùng với các nhóm dễ tổn thương khác trong xã hội, nhóm cộng đồng LGBTIQ+ được xác định là một trong những nhóm đối tượng của nguy cơ cao bị bạo lực giới. Những chia sẻ về trải nghiệm và chứng kiến các hành vi bạo lực giới trong cộng đồng LGBTIQ đã cho thấy, bạo lực xảy ra ở các nhóm thiểu số tình dục như đồng tính nam, đồng tính nữ và nhóm các nhóm chuyển giới. Người gây bạo lực có thể là cha mẹ, anh chị em trong gia đình, bạn tình, đồng nghiệp và cộng đồng với các hình thức bạo lực đa dạng: 72,2% từng bị bạo lực lời nói , 71% học sinh LGBT báo cáo là đã từng bị xâm hại thể chất.
Những số liệu ban đầu về thực trạng bạo lực giới với cộng đồng LGTBTIQ+ đặt ra câu hỏi về tính cần thiết phải đánh giá tổng quan về thực trạng, những khoảng trống trong các quy định hiện hành và thực thi pháp luật liên quan tới công tác phòng ngừa và ứng phó với vấn đề bạo lực giới. Những rào cản và thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người bị bạo lực giới, đặc biệt là cộng đồng LGBTIQ + là vấn đề phức tạp đòi hỏi những nỗ lực của các bên liên quan trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi và phù hợp, những kiến nghị cụ thể trong việc hoàn thiện và thực thi chính sách trong bối cảnh xã hội còn nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số tình dục.
Tại Việt Nam, đề án Quốc gia về: “Phòng ngừa và Ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2016. Điều đó thể hiện những nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt với các nhóm có nguy cơ cao. Một trong những giải pháp quan trọng của Đề án quốc gia là “Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới”. Trong đó, việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới bao gồm: Hỗ trợ bảo đảm an toàn, tạm lánh khẩn cấp, dịch vụ hỗ trợ ban đầu tại địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng cho nạn nhân; cung cấp dịch vụ chăm sóc tối thiểu cho nạn nhân và tư vấn cho người gây bạo lực tại cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho nạn nhân tại cơ sở y tế… là những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề cũng như hỗ trợ phục hồi cho người bị bạo lực giới.
Nhân dịp Hội thảo, Mạng lưới Nữ yêu Nữ tại Việt Nam với 12 nhóm tại 9 tỉnh, thành phố đã chính thức ra mắt, là tổ chức hỗ trợ những người nữ yêu nữ phòng ngừa và đối phó với các hành vi bạo lực giới.