Hiện vẫn còn hơn 130.000 cựu thanh niên xung phong (TNXP), chiếm tỷ lệ 32%, chưa được giải quyết chế độ chính sách. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cao Vãng (ảnh), Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam xung quanh việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP.
Ông có thể cho biết kết quả của việc giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng cựu TNXP trong thời gian vừa qua?
Trong các cuộc kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có gần nửa triệu TNXP đã phục vụ ở các chiến dịch, chiến trường trọng điểm, đảm bảo mạch máu giao thông,... Có trên 10.000 người đã hy sinh, 46.000 người bị thương, trên 11.000 người bị nhiễm chất độc da cam. TNXP đã góp phần lập nên những chiến công oanh liệt.
Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và Trung ương Đoàn Thanh niên cùng với Hội cựu TNXP tổ chức hội nghị tổng kết, biểu dương và phát huy vai trò nhân chứng lịch sử giúp Đảng, Nhà nước ban hành và giải quyết chế độ chính sách đối với TNXP kháng chiến, vào ngày 9-10/9/2013 nhằm tổng rà soát tình hình giải quyết chính sách, nắm tồn đọng và tìm nguyên nhân, giải pháp để cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tập trung giải quyết dứt điểm trong năm tới. |
Do đặc thù của lực lượng cựu TNXP, nên rất nhiều người không có hồ sơ gốc, khi giải quyết chế độ, chính sách gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Hội cựu TNXP được thành lập vào năm 2004, với vai trò nhân chứng lịch sử, để đề xuất, tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP và để giải quyết những bất cập và tồn đọng. Đông đảo cựu TNXP kiến nghị Đảng, Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách hợp lý, phù hợp với đặc thù lịch sử của TNXP, trước hết là chế độ, chính sách cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, nhiễm chất độc da cam, nữ TNXP cô đơn, hoàn cảnh sống khó khăn; nhất là các cựu TNXP tuổi cao, già yếu, bệnh tật đang lần lượt qua đời mà chưa được giải quyết chính sách.
Trên tinh thần đó, cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 40/2011/QĐ-TTg giải quyết cho TNXP tham gia kháng chiến trước năm 1975 và Quyết định 62/2011/QĐ-TTg giải quyết cho TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975. Đến nay đã có % cựu TNXP đã được hưởng chế độ, chính sách.
Vì sao số cựu TNXP chưa được hưởng chính sách còn tồn đọng lớn, thưa ông?
Hội cựu TNXP Việt Nam đã cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ khảo sát và thống kê sơ bộ về lực lượng TNXP và lấy trực tiếp từ các tỉnh báo cáo lên. Theo đó, đến nay số lượng còn tồn đọng theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg là gần 70.000 người, theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg là trên 31.000 người.
Tiến độ giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP còn rất chậm do trong Thông tư hướng dẫn: Đối với những người không có “giấy tờ gốc” giải quyết ở giai đoạn 3. Có nghĩa là hiện đang ưu tiên giải quyết đối tượng có giấy tờ gốc (giai đoạn 1); giấy tờ liên quan chứng minh được TNXP (giai đoạn 2). Trong khi đó, phần lớn TNXP đều rơi vào giai đoạn 3. Chính vì vậy, Hội cựu TNXP đã họp với các ngành và đã có hướng dẫn lại để giải quyết song song cả 3 giai đoạn, nhưng một số địa phương vẫn áp dụng máy móc.
Bên cạnh chính sách Nhà nước, Hội cựu TNXP còn có hoạt động vận động giúp đỡ nhau như thế nào, thưa ông?
Song song việc thực hiện chế độ chính sách của nhà nước, Hội cũng có giải pháp xã hội hóa để giải quyết một phần khó khăn cho anh chị em. Ở Trung ương, Hội chủ yếu giao cho “Hội đồng nữ” vận động nhà tài trợ, thực hiện các chương trình quyên góp. Hiện có trên 5.000 nữ cựu TNXP sau khi xuất ngũ về hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Từ năm 2010 đến nay, có 43 tỉnh có Ban công tác nữ, đã vận động được 32,5 tỷ đồng để xây dựng 527 nhà tình nghĩa; 3.400 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 3 triệu đồng), trợ cấp hàng tháng cho 200 nữ cựu TNXP cô đơn, mỗi tháng 500.000 đồng. Còn các Hội ở địa phương vận động tài trợ được hơn 57,7 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi ngày lễ, Tết...
Hiện còn nhiều cựu TNXP gặp khó khăn trong việc vay vốn giảm nghèo, ông có thể cho biết nguyên nhân do đâu?
Theo thống kê, có hơn 55.000 đối tượng cựu TNXP nghèo và cận nghèo. Theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg quy định được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm. Nhưng chưa có Thông tư nào hướng dẫn nên gặp rất nhiều khó khăn. Hội cựu TNXP đã làm việc với Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH) ra công văn số 75 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc vay vốn, nhưng ngân hàng và địa phương yêu cầu có Thông tư hướng dẫn chứ không phải công văn. Vì vậy, các địa phương mới cho vay được 5,5 tỷ đồng, cho hơn 400 hộ. Trong khi nhu cầu vay vốn của cựu TNXP là rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường