Nhiều kết quả hoạt động của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình trong nửa đầu năm Nhâm Thìn 2012 đều thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2011.
Tỷ số giới tính khi sinh tăng mạnh, từ 111,9/100 (bé trai/bé gái) năm 2011 lên 113/100 hiện nay. Việc thực hiện các biện pháp tránh thai giảm đi so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, số trẻ sơ sinh tăng đột biến, trong đó không ít trẻ là con thứ ba... Đó là những “gam màu trầm” của bức tranh công tác dân số nửa đầu năm 2012.
“Rồng con” tăng vọt
“Báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai giảm so với cùng kỳ năm 2011”, ông Trần Văn Chiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo chuyên đề công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) 6 tháng đầu năm 2012, do Bộ Y tế tổ chức ngày 17- 18/7, tại Vĩnh Phúc.
Cán bộ dân số và nhân viên y tế tư vấn dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ tạm cư tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 600.000 chị, em đặt vòng tránh thai mới, giảm 5,83% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, lại có tới gần 97.000 chị em thôi sử dụng vòng tránh thai. Đặc biệt, số ca triệt sản trong 5 tháng đầu năm cũng giảm 553 người so với cùng kỳ năm 2011, tương đương 6%. Số người mới cấy thuốc tránh thai cũng ít hơn khoảng 3.000 người, giảm 37,6%.
Tỷ lệ người dân áp dụng các biện pháp tránh thai giảm, cộng với nỗi khát khao sinh được “quý tử” năm Rồng là nguyên nhân tăng vọt số trẻ sơ sinh và trẻ là con thứ ba suốt từ tháng 1/2012 đến nay. “Thực sự là có nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác dân số trong năm Rồng, bởi có quá nhiều người Việt “săn” “Rồng con”, đặc biệt là “Rồng đực”. Vậy nên, dự báo ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình rất khó có thể đạt được chỉ tiêu giảm sinh năm 2012”, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ chia sẻ.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2012, có tới hơn 500.000 trẻ nhỏ ra đời, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong số đó có tới 49.955 trẻ là con thứ ba, tăng 19,2%.
Mặt khác, do rất nhiều người “khát khao” “săn” được một chú “Rồng con” trong năm 2012 nên tỷ số giới tính (TSGT) khi sinh (được tính bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra của một thời kỳ) thời gian vừa qua cũng tăng mạnh.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2012 cả nước có số trẻ sinh ra là 274.171 bé trai/241.998 bé gái, tương đương với 113 bé trai/100 bé gái. Trong khi, tỷ lệ này của năm 2011 chỉ là 111,9/100. Top 10 tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính cao nhất nước, từ 115 - 131 bé trai/100 bé gái gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.
Nhiều cán bộ dân số bỏ việc
Chỉ ra những nguyên nhân khiến kết quả công tác DS- KHHGĐ nửa đầu năm 2012 không được như mong đợi, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nguyên nhân khách quan do năm 2012 là năm Nhâm Thìn, theo tín ngưỡng dân gian là năm đẹp để sinh con và nhất là sinh được quý tử.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do việc chậm giao chỉ tiêu và kinh phí cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012. Hơn nữa, bộ máy tổ chức của ngành DS-KHHGĐ chưa hoàn thiện, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên nhiều cán bộ đã bỏ việc.
Hiện nay, 100% tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế, góp phần tích cực cho công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Tuy nhiên, mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền huyện coi Trung tâm DS-KHHGĐ huyện là một đơn vị sự nghiệp của tỉnh đóng trên địa bàn nên không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cũng như hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo về DS-KHHGĐ. Mặt khác, vì là đơn vị trực thuộc Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh nên Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cũng không thể tham mưu trực tiếp cho UBND huyện về các chủ trương, chính sách về công tác DS-KHHGĐ, rất khó khăn trong việc huy động hệ thống chính trị của huyện tham gia công tác DS-KHHGĐ.
Tại tuyến xã, bộ máy tổ thức cũng gặp không ít vướng mắc. Hiện tại các xã, phường, thị trấn (xã) vẫn duy trì mỗi xã có 1 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ nhưng mô hình quản lý thì khác nhau; có nơi đã giao chỉ tiêu và tuyển vào biên chế; có nơi chưa giao chỉ tiêu, biên chế vẫn là cán bộ không chuyên trách. Tới nay, có 46/63 tỉnh giao 7.176 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp làm công tác DS-KHHGĐ xã, trong đó chỉ có 41 tỉnh đã tuyển dụng được 4.706 viên chức (bằng 65,6% chỉ tiêu biên chế được giao) để làm công tác DS-KHHGĐ ở xã.
Mô hình cán bộ DS-KHHGĐ xã được tuyển thành viên chức của trạm y tế xã cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế xã, mà trạm y tế xã trực thuộc trung tâm y tế huyện; do không trực tiếp quản lý nên trung tâm DS-KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ DS-KHHGĐ xã, muốn chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ cho cán bộ xã phải xin phép đơn vị khác; nhiều viên chức khi được tuyển dụng về lại thích làm chuyên môn y tế hơn, không thích đi tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
“Tới ngày 6/7, mới có 5/63 tỉnh, thành phố nhận được kinh phí hoạt động từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, nhiều nơi đã phải “nợ” phụ cấp và thù lao của các cán bộ chuyên trách dân số (chưa được tuyển vào cán bộ viên chức trạm y tế xã) và CTV dân số, nên không ít cán bộ đã nản và bỏ nghề”, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh.
Phương Liên