Gỡ nút thắt xã hội hóa nước sạch ở Thủ đô

Là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, nhưng hiện nay tỷ lệ người dân khu vực nông thôn ở Hà Nội được sử dụng nước sạch mới đạt gần 39%.

Thi công hệ thống nước sạch ở huyện Hoài Đức. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư công trình nước sạch có vai trò quan trọng. Song thực tế cho thấy, sau khi được đầu tư nhiều người dân lại có thái độ "hờ hững" với nước sạch.

Giảm áp lực ngân sách

Để các hộ dân khu vực nông thôn nhanh chóng được sử dụng nước sạch, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư về nước sạch bằng Thông báo số 145 năm 2017.

Theo đó, thành phố cho phép doanh nghiệp vừa làm thủ tục, vừa thiết kế, thi công để rút ngắn thời gian thực hiện. Đối với các các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu phải thành lập tổ công tác để trực tiếp giải quyết các thủ tục, công việc của các nhà đầu tư cấp nước sạch.

Huyện Hoài Đức là một trong những địa phương của thành phố thực hiện kêu gọi xã hội hóa công tác nước sạch. Cuối tháng 3/2017, thành phố Hà Nội đã quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần hạ tầng kỹ thuật VTS đầu tư dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 14 xã và 1 thị trấn của huyện Hoài Đức.

Theo đó, giai đoạn 1 đến năm 2020 dự án đạt công suất cấp nước là 42.500 m3/ngày đêm, phục vụ cho nhân dân Hoài Đức. Sau khi có quyết định đầu tư, Công ty đã nhanh chóng phối hợp với các phòng, ban của huyện Hoài Đức triển khai các công việc xây dựng để cấp nước theo tiến độ.

Đến nay, Công ty VTS đã đầu tư lắp đặt được mạng lưới đường ống tới tận hộ gia đình trên địa bàn 8 xã cho khoảng gần 3.000 hộ được sử dụng nước sạch với tổng số gần 7.000 hộ đăng ký. Tuy nhiên, so với dân số của huyện Hoài Đức là 60.425 hộ thì con số đăng ký và sử dụng nước sạch vẫn còn quá khiêm tốn.

Tại xã Di Trạch (Hoài Đức), nhà đầu tư đã cơ bản lắp xong đường ống, tiến hành hoàn trả mặt bằng và súc xả đường ống, cấp nước cho một số hộ gia đình. Nhiều người dân ở đây tỏ ra phấn khởi khi được sử dụng nước sạch. Song có không ít hộ gia đình bày tỏ băn khoăn, có tâm lý nghe ngóng về giá thành cao khi đấu nối sử dụng nước sạch.

Bà Nguyễn Thị Dân ở thôn Dậu 1 (xã Di Trạch) cho biết, gia đình rất muốn đấu nối để được sử dụng nước sạch, nhưng nhà chỉ có hai vợ chồng già, đồng lương hưu ít ỏi mà lại phải đóng 4,2 triệu đồng tiền ứng góp vốn với Công ty nên bà còn băn khoăn trong quyết định đấu nối sử dụng nước sạch. "Tôi biết, hàng tháng khi hóa đơn tiền nước được gửi đến gia đình, phía Công ty sẽ khấu trừ 44.000 đồng trong vòng 8 năm, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy không thoải mái", bà Dân tâm sự.

Ông Vương Tất Lai, thôn Dậu 1 (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) đang sử dụng nước sạch. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Trái ngược với suy nghĩ trên, ông Vương Tất Lai, thôn Dậu 1 cho rằng, việc hộ gia đình đóng góp số tiền 4,2 triệu đồng để sử dụng nước sạch và được khấu trừ trong 8 năm là hợp lý.

Ông Lai phân tích, hiện nay nếu một hộ dân muốn có nước sử dụng phải khoan giếng, bỏ tiền mua hai máy bơm (một máy bơm hút và một máy bơm đẩy), xây bể lọc thì số tiền chi phí cũng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó hàng tháng lại phải mất thêm tiền điện, tiền mua cát lọc, công rửa bể... cũng không hề rẻ. Vì thế, việc ứng góp với số tiền trên là hợp lý.

Tạo sự đồng thuận từ hài hòa lợi ích

Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức về việc góp vốn của người dân để xây dựng, lắp đặt hệ thống nước sạch, được biết việc chủ đầu tư đưa ra mức ứng góp kể trên là dựa trên đề xuất đầu tư đã được UBND thành phố phê duyệt và tham khảo tổng mức đầu tư các dự án khác trên địa bàn thành phố (mức ứng góp không quá 30% mức đầu tư cho một hộ gia đình).

Trên cơ sở chỉ đạo của thành phố, để tạo sự đồng thuận cao, UBND huyện Hoài Đức đã tổng hợp báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy, công khai với nhân dân về phương án ứng góp.

Về việc có ý kiến cho rằng số tiền ứng góp còn cao, ông Nguyễn Hoàng Trường cho rằng, phía UBND huyện đã thẩm định kỹ các quy trình đầu tư của doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp nâng mức ứng góp lên cao sẽ giúp giảm được tổng mức đầu tư, nhưng ngược lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp vì có thể người dân "quay lưng" lại với nước sạch.

Ông Nguyễn Hoàng Trường giải thích: Người dân phải đóng góp là do nguồn lực đầu tư của địa phương còn hạn chế, trong khi với mục tiêu đến năm 2020 nhân dân trong huyện được sử dụng nước sạch thì việc huy động nguồn vốn xã hội hóa là cần thiết, huyện luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu trong quá trình huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho nước sạch. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, sinh hoạt của con người để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về việc sử dụng nước sạch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, không chỉ riêng huyện Hoài Đức mà các địa phương như: Thanh Oai, Quốc Oai, Mê Linh, Thạch Thất cũng đang được các doanh nghiệp thực hiện xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Nhiều dự án cấp nước ở các huyện kể trên đã cơ bản hoàn thành, nhiều hộ dân đã được sử dụng nước sạch trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tuy nhiên, có một thực tế là số hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch chưa cao và đây đang là trở ngại đối với các nhà đầu tư nước sạch nông thôn ở Hà Nội.

Trong thời điểm hiện nay, khi ngân sách còn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng xã hội thì việc huy động nguồn lực nhân dân cùng đóng góp được thành phố Hà Nội triển khai, bước đầu rút ngắn thời gian đạt mục tiêu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn. Song việc triển khai tuyên truyền để người dân đồng thuận với phương án ứng góp vốn cần được thực hiện bài bản, đơn giá cần được nhân dân bàn thảo kỹ để có được sự đồng thuận cao, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn.

Minh Nghĩa - Mạnh Khánh (TTXVN)
Hà Nội: Nghịch lý gần chục năm chưa xây xong trạm cấp nước sạch
Hà Nội: Nghịch lý gần chục năm chưa xây xong trạm cấp nước sạch

Ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dù đã được phê duyệt đầu tư, cấp vốn từ ngân sách nhưng do nhiều nguyên nhân mà gần chục năm trạm cấp nước sạch vẫn chưa đưa vào sử dụng phục vụ người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN