Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Đây là ý kiến được các chuyên gia nêu lên tại hội thảo "Hồ trữ nước đảm bảo cung cấp nước an toàn cho TP. HCM", được tổ chức ngày 8/4, tại TP. HCM. Hội thảo thuộc khuôn khổ Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM do Việt Nam hợp tác với Hà Lan.
Theo ông Rik Dierx, Giám đốc Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM: Mục đích của hồ dự trữ nước thô (ít ngày hoặc nhiều ngày) nhằm góp phần cải thiện và tăng sự ổn định của chất lượng nước trước khi được xử lý tại nhà máy. Trong đó, hồ trữ nước nhiều ngày đảm bảo các yếu tố: quá trình sơ lắng nước trước khi đưa vào xử lý giúp giảm và ổn định độ đục; cho phép quá trình tự lọc giúp cải thiện chất lượng nước; các hạt nhỏ và vi sinh vật không thể lọt vào nước cấp cho khách hàng…
Trước đó, Chiến lược cấp nước tổng thể cho TP. HCM đến năm 2025 đã xác định khai thác những nguồn nước gồm: Sông Đồng Nai, điều tiết bởi hồ Trị An với 2,5 triệu m3/ngày; sông Sài Gòn, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa (1 triệu m3/ngày); kênh Đông, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa (0,5 triệu m3/ngày). Mặt khác, chiến lược cũng bao gồm nghiên cứu những nguồn nước thay thế, chủ yếu là việc sử dụng nước trực tiếp từ 3 hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa và Trị An để thay thế sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Hiện, hơn 95% nguồn nước phục vụ cho 8 triệu dân và khoảng 2 triệu khách vãng lai tại TP. HCM là được khai thác từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco): Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang trong tình trạng bị nhiễm mặn ngày nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa khô độ mặn của nước tăng cao và có thể vượt quá tiêu chuẩn về nước sạch của Việt Nam là 250mg/L Choloride Cl.
Bên cạnh đó, 2 con sông này còn đối mặt với ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt cũng như nước thải công nghiệp. Vì vậy, những giải pháp hiệu quả đảm bảo an toàn nguồn nước cũng như chính sách phát triển nguồn nước bền vững là vấn đề vô cùng cấp thiết đối với TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo, ông Casvander Host, Phó Đại sứ Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội cho rằng: Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, không chỉ lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng mà tác động cả đến đảm bảo an sinh xã hội vì nguy cơ nguồn nước an toàn bị hạn hẹp. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh đảm bảo đủ nguồn nước cho sinh hoạt người dân, còn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nên cần có giải pháp tạo nguồn nước dự trữ.
Ông Casvander Host nhấn mạnh: Trong bối cảnh TP. HCM đang ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng cùng với sự sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, đồng thời những nguồn nước cung cấp chính bị nhiễm mặn vào mùa khô, Hà Lan cam kết sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ TP. HCM đưa ra những giải pháp, chương trình hành động cụ thể để vượt qua các thách thức do tác động của biến đổi khí hậu.