Kênh A48 nối từ Khu công nghiệp Đồng Văn II chảy qua Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên và một số xã dọc Quốc lộ 1A về hồ Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Là kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng kênh A48 còn tiếp nhận nước thải của Khu công nghiệp Đồng Văn I, II và nước thải của một số cụm dân cư xung quanh.
Theo kết quả phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột B1 - dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi, hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, tại 6 mẫu nước mặt tại kênh A48 từ khu vực xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý đến Khu công nghiệp Đồng Văn I đều có các thông số vượt giới hạn cho phép.
Tại khu vực miệng cống thải số 1 xả ra kênh A48 gần nhà Phòng cháy, chữa cháy - Khu công nghiệp Đồng Văn I có 8/14 thông số được phân tích vượt giới hạn cho phép, cụ thể là BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20°C) vượt 66 lần; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) vượt 62,7 lần; DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước) thấp hơn giới hạn cho phép 4,7 lần; Fe (sắt) vượt 4,96 lần…
Các khu vực khác như miệng công thải số 2,3 xả ra kênh A48 - Khu công nghiệp Đồng Văn 1 đều có từ 4 - 6/14 thông số vượt giới hạn cho phép. Khu vực xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý; xã Hoàng Đông và thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên cũng có 4-5/14 thông số được phân tích vượt giới hạn cho phép.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm kênh A48 chủ yếu là do ảnh hưởng nước thải từ Khu công nghiệp Đồng Văn I, từ các điểm tập kết rác thải của một số cụm dân cư dọc kênh A48 trên địa bàn thị trấn Đồng Văn, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên và xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý.
Song theo ý kiến của ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở kênh A48 như hiện nay là do tồn đọng ô nhiễm từ nhiều năm trước nhưng không được nạo vét. Cùng với đó người dân sống dọc kênh thiếu ý thức đổ rác, nước thải sinh hoạt, thậm chí vứt xác động vật ra kênh. Nước thải từ các khu công nghiệp khó có thể là tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng ở kênh A48.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp cùng Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn III, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá công tác đấu nối hệ thống thoát nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trọng Khu công nghiệp Đồng Văn I, II.
Đồng thời tìm ra nguyên nhân nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thải vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp; chỉ đạo các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với dự án đầu tư, xây dựng hố ga thu gom nước thải sản xuất riêng của doanh nghiệp để đảm bảo thuận tiện cho công tác kiểm tra, lấy mẫu nước thải trước khi xả thải ra hệ thống thu gom nước thải chung của khu công nghiệp.
UBND huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tuyên truyền các hoạt động bảo vệ môi trường đến nhân dân xung quanh khu vực kênh A48, không được dổ rác thải bừa bãi, nước thải chăn nuôi phải được xử lý trước khi thải ra kênh, tích cực tham gia hoạt động tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải trên bờ và lòng kênh, khơi thông dòng chảy… không để ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái môi trường.