Việc giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố du lịch Đà Nẵng và đảm bảo sức khỏe, đời sống cho người dân khu vực bãi rác hiện rất bức thiết, cần có các biện pháp căn cơ, bền vững, lâu dài.
Người dân kiến nghị di dời
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, hiện các xe rác đã ra, vào bãi rác Khánh Sơn bình thường. Nhưng lực lượng Cảnh sát trật tự và Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng vẫn túc trực ở khu vực ngã ba bãi rác Khánh Sơn để đảm bảo an ninh trật tự. Trước đó từ ngày 7 - 8/7, hàng trăm người dân đã tập trung tại khu vực này để chặn xe rác, phản đối việc thành phố Đà Nẵng dự định xây Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại đây.
Vụ việc xảy ra sau khi lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đối thoại với nhân dân khu vực bãi rác Khánh Sơn vào chiều 6/7 nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Theo nhiều người dân trong khu vực, họ bị mất niềm tin vào các phương án xử lý ô nhiễm môi trường, mong giải tỏa bãi rác để con cháu mình không bị ảnh hưởng. Lý do là sau rất nhiều lần đối thoại từ hàng chục năm nay, các lãnh đạo thành phố đã hứa sẽ di dời bãi rác này vào năm 2020, chậm nhất đến năm 2022, nhưng nay lại thay đổi và quyết định đầu tư dự án xử lý rác thải quy mô lớn ở đây.
Anh Phan Trọng Trường, một người dân trong khu vực, cho rằng mỗi khi có các đoàn lãnh đạo về kiểm tra, đối thoại, mùi hôi từ bãi rác giảm hẳn, còn những lúc khác rất hôi thối. "Tôi thấy bên công ty môi trường vẫn có lúc xả nước rỉ rác trực tiếp chưa qua xử lý, các hố rác thì chưa được phủ kín bạt nên không đảm bảo về vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, tuyến đường Hoàng Văn Thái là tuyến đường chính đưa khách du lịch lên khu Bà Nà nên việc có nhiều xe rác và bãi rác tại đây là không hợp lý, mất mỹ quan, cần di dời".
Ông Phan Văn Xu, Tổ trưởng tổ dân phố 47, phường Hòa Khánh Nam nói: "Hiện giờ, lượng rác toàn thành phố Đà Nẵng thải ra trên 1.000 tấn/ngày. Do đó, cần xây dựng thêm nhiều nhà máy xử lý rác thải ở các quận, huyện để giảm tải, không nên đổ dồn về một chỗ. Nếu triển khai nhà máy hiện đại, không gây ô nhiễm, không có mùi hôi thì đặt ở quận nào cũng được, không nhất thiết phải là Khánh Sơn. Người dân nơi đây đã chịu khổ hơn 20 năm qua, giờ chỉ muốn được hơi thở trong lành".
Chính quyền muốn chuyển đổi công nghệ xử lý
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Tô Văn Hùng, từ năm 2015, lượng rác đổ về đây khoảng hơn 1.000 tấn/ngày, kết hợp với lượng rác đã chôn lấp trước đây hơn 3,2 triệu tấn nên tác động nhiều hơn và xa hơn đến các khu dân cư xung quanh. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp nhưng chưa khắc phục được triệt để. Đến thời điểm này, bãi rác Khánh Sơn đã quá tải, chỉ còn chưa tới 170 ngày nữa là bị lấp đầy.
Cuối tháng 5/2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 3460/UBND-SKHĐT, cho phép Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn Ever Bright International (có trụ sở chính tại Hồng Kông) góp vốn đầu tư công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến tại bãi rác Khánh Sơn, với công suất xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, biến rác thải thành năng lượng, các thông số khí thải và khói thải đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu.
Ngày 27/6, một số người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn đã tham gia chuyến tham quan Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức. Nhà máy điện rác Cần Thơ khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 12/2018, hiện đang xử lý 400 tấn rác/ngày. Theo quy trình, toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác và lưu lại từ 5 - 7 ngày, để tách nước rỉ rác và giảm độ ẩm, sau đó đưa vào lò và sấy khô trước khi chuyển sang đốt. Sức nóng của quá trình đốt rác sẽ làm nước bốc hơi, quay turbin phát điện. Công nghệ đốt rác phát điện đang được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển tại châu Âu, Nhật Bản và Singapore...
Cũng theo ông Tô Văn Hùng, việc xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải tại chính bãi rác Khánh Sơn là hợp lý, vì có sẵn cơ sở hạ tầng phù hợp. Hơn nữa, có thể đào khối lượng hơn 3,2 triệu tấn rác đã chôn lấp ở đây lên để đốt, xử lý một cách triệt để điểm nóng về ô nhiễm môi trường này trong tương lai. Nếu xây nhà máy rác ở chỗ khác sẽ rất khó để xử lý số rác này.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định: Thành phố sẽ đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại về, đáp ứng bài toán môi trường tại chỗ, xây dựng cuộc sống tốt hơn cho người dân địa phương. Bên cạnh việc xử lý ô nhiễm môi trường, thành phố cũng đang tính toán giải tỏa đến khu vực cách ly và tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực.
Đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân Khánh Sơn
Trước đó, trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố vào ngày 6/7, nhiều người dân quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn đã yêu cầu đánh giá tác động môi trường và sức khỏe của người dân trong công nghệ đốt rác phát điện; đồng thời đặt dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam, đơn vị từng thất bại trong việc xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác này.
Tại Kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX lần thứ 11, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã đặt vấn đề bãi rác Khánh Sơn lên hàng đầu trong các kiến nghị của cử tri thành phố. Bà Đặng Thị Kim Liên nhấn mạnh yêu cầu: "Có sự chọn lựa kỹ về công nghệ đốt rác phát điện của nhà máy điện rác Khánh Sơn; đặc biệt chú ý đến khả năng ô nhiễm và các chất độc hại từ khói đốt rác cũng như việc xử lý tro sau khi đốt".
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cũng nêu rõ, chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn là nhất quán. Vấn đề còn lại là phải trả lời với cử tri cho được: Một là, quy hoạch cho rõ ràng, tuyên truyền cho người dân biết và đồng thuận. Hai là, thế giới hiện phát triển rất nhiều công nghệ tiên tiến và Đà Nẵng phải tiếp cận cho được những công nghệ tốt nhất. Ba là, công khai minh bạch, đấu thầu, đấu giá rộng rãi qua mạng, làm bài bản theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lý giải: Những năm 2013 - 2014, UBND thành phố giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam xử lý rác bằng công nghệ đốt nhưng đã thất bại, không làm được. Vì không thành công nên buộc doanh nghiệp này phải đầu tư công nghệ mới, hiện đại, để đảm bảo xử lý đạt yêu cầu, nếu không sẽ phải đóng cửa nhà máy.