Đồng thời qua kiểm tra, Sở ghi nhận các ý kiến, đề xuất, vướng mắc, khó khăn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác đấu thầu của các đơn vị để đề xuất với Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, nhằm nâng cao hiệu quả trong đấu thầu cung ứng thuốc.
6 nội dung kiểm tra, giám sát sẽ được các đoàn kiểm tra thực hiện là: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện và ký kết hợp đồng; tiến hành lấy mẫu và thực hiện kiểm nghiệm thuốc.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, việc kiểm tra nhằm phát hiện các tồn tại, chấn chỉnh và hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định về đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
TP Hà Nội vừa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố. Phần mềm quản lý thuốc này sẽ giúp các cơ sở vừa quản lý tài chính vừa quản lý kho, nhập – xuất thuốc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến 31/12/2018 hoàn thành kết nối 100% cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc trong các bệnh viện/trung tâm y tế công lập, quầy thuốc/tủ thuốc của trạm y tế xã. Đến 30/6/2019, thành phố hoàn thành việc kết nối 100% các quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp.
Địa bàn Hà Nội hiện có 1.470 cơ sở bán buôn thuốc, 3.770 nhà thuốc và 2.560 quầy thuốc. Qua kiểm tra đánh giá về công tác triển khai ứng dụng công nghệ kết nối mạng cơ sở, các cơ sở bán lẻ thuốc của Hà Nội đã có ý thức áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc nhưng chưa nhiều, mang tính tự phát và chủ yếu áp dụng để quản lý về tài chính.