Với trận mưa xấp xỉ 300 mm trong hai ngày (8 - 9/8) vừa qua, hệ thống thoát nước Hà Nội lại một lần nữa bị động khi mưa lớn.
Ngập cục bộ
“Với lượng mưa lớn từ 100 mm - 300 mm, khu vực 4 quận nội thành trung tâm vẫn xuất hiện các điểm ngập cục bộ tại các điểm Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thợ Nhuộm... Tuy nhiên, các điểm này chỉ ngập khoảng vài giờ, sau đó được tiêu thoát bởi các hạng mục hệ thống thoát nước giai đoạn 2 vừa đưa vào sử dụng”, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết. Nguyên nhân ngập cục bộ khu nội thành do cốt nền khu vực này thấp và hệ thống thoát nước từ thời Pháp thuộc đã xuống cấp. Do đó, việc thoát nước khu vực quận Hoàn Kiếm phải đợi tuyến Lò Đúc - Phan Chu Trinh hoàn thành mới cải thiện tình trạng úng ngập nơi đây. Giải pháp tình thế đang được Công ty Thoát nước áp dụng là bố trí lực lượng tại các điểm ngập để thu vớt rác tại miệng hầm ếch, bố trí máy bơm hút kịp thời.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, ngày 8/8/2013, khu vực nội thành Hà Nội có mưa lớn kéo dài, gây ngập cục bộ trên nhiều tuyến phố. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Trong khi tình trạng ngập nội thành đã cải thiện so với trước thì tình trạng ngập nặng và dài ngày diễn ra tại các tuyến đường vành đai 2 hướng ra phía tây. Điển hình là tình trạng ngập trên tuyến phố Phạm Văn Đồng, Lĩnh Nam, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn... “Nguyên nhân ngập tại khu vực phía tây thành phố là do chưa có hệ thoát nước đồng bộ và đang phụ thuộc vào hệ thống tiêu thoát nông nghiệp. Chính vì vậy, với khu đô thị phía tây thành phố, mưa mức độ trung bình trên 50 mm cũng đã gây ngập cục bộ”, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết. Một loạt tuyến đường khu vực Thanh Xuân, Từ Liêm, Hà Đông ngập nặng do hệ thống cống bị tắc nghẽn trong quá trình thi công làm đường. Hiện đường cống thoát nước tuyến Nguyễn Xiển chứa đầy phế thải, bùn đất cho thấy sự tắc trách của đơn vị thi công. Thành phố đang giao chủ đầu tư hoàn thiện, nạo vét rạch cống rãnh trước khi bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý vận hành, không để xảy ra tình trạng như vừa qua. Tuyến đường Phạm Văn Đồng trước đây thoát nước ra các ao ruộng trũng xung quanh và hiện hai bên chỉ là tuyến rãnh nhỏ, không đồng bộ. Nay tuyến đường này đã bị bít kín bởi một loạt dự án đô thị, trong khi không có cống tiêu thoát nên dễ gây ngập... Tuyến đường lại đang nằm trong phạm vi nghiên cứu dự án của Bộ GTVT. Điều này cảnh báo sự bất cập tại nhiều tuyến đô thị mới, các chủ đầu tư chỉ quan tâm xây dựng dự án nhà ở, đường xá nhưng thiếu đầu tư vào hệ thống thoát nước và đấu nối vào quy hoạch thoát nước chung.
Bộc lộ nhiều bất cập
Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho biết: Dự án thoát nước giai đoạn 2 chống úng ngập thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch vào nội đô nhằm đối phó với lượng mưa là 310 mm/2 ngày, theo chu kỳ bảo vệ là 10 năm. Lý do không chọn lưu lượng mưa cao hơn bởi còn liên quan đến bài toán kinh tế và ngân sách đầu tư cho hệ thống.
Đối với khu vực úng ngập phía tây tại lưu vực sông Nhuệ, Sở Xây dựng đang đề xuất phương án gia cố thân đê sông Nhuệ và các công trình đầu mối, kênh, cống nối vào khu đô thị, nâng cấp 4 trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông, Mễ Trì, Ba Xá. |
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia lĩnh vực xây dựng đô thị, dưới tác động biến đổi khí hậu, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã xuất hiện trận mưa tần suất 300 mm nên cần điều chỉnh kịp thời năng lực hệ thống tiêu thoát nước.
Nhìn toàn diện có thể thấy, việc quy hoạch mạng lưới thoát nước của Hà Nội hiện thiếu đồng bộ, nhất là việc khớp nối giữa các hệ thống thoát nước qua các thời kỳ còn nhiều bất cập. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng chiều dài mạng lưới cống thoát nước là 1.436 km, trong đó 3/4 các tuyến cống trong khu vực trung tâm được cải tạo; còn khoảng 1/4 tuyến cống do các chủ đầu tư khác thi công. Một số tuyến dự kiến hoàn thành vào năm 2012 nhưng vẫn chưa được bàn giao như cống hóa mương Hào Nam - Yên Lãng, Nguyễn Xiển... Một số khu vực nội thành vẫn còn thiếu cống thoát nước như quận Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Trong khi đó, chiều dài tuyến mương thoát nước nội thành Hà Nội là hơn 113 km; trong đó, hơn 50 km kênh, sông thoát nước được cải tạo. Còn lại phần lớn mương thoát nước tiết diện nhỏ, cao độ đáy không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, các tuyến kênh mương thuộc dự án 2 đang trong giai đoạn thi công dở dang, chưa phát huy hiệu quả thoát nước.
Cùng với hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập thì việc thiếu hồ điều hòa đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi nước. Với những cơn mưa lưu lượng 150 - 200 mm, cần trữ nước vào hồ điều hòa hỗ trợ với hệ thống thoát nước nhưng diện tích mặt nước hồ khu vực nội thành đang rất hạn chế. Diện tích hồ phải chiếm 5 - 7% diện tích tự nhiên của đô thị, song hiện nay Hà Nội có 111 hồ ngoại thành, khoảng 60 hồ nội thành với khoảng 6.000 ha, quá nhỏ so với 330.000 ha diện tích tự nhiên, chưa đáp ứng được diện tích tối thiểu để điều hòa nước khi mưa lớn.
Trong khi đó, người dân thiếu ý thức khi xả rác bừa bãi xuống hệ thống cống, kênh mương và lấn chiếm hồ. Để phòng chống úng ngập, Hà Nội cần sớm tiến hành nạo vét tuyến sông Nhuệ, sông Đáy; đồng thời tăng cường duy tu, vận hành hiệu quả năng lực hệ thống thoát nước hiện có; kiểm soát và khống chế mực nước đệm trên hệ thống kênh mương, hồ điều hòa để giải quyết trọng điểm úng ngập như hồ Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thoát nước, hồ điều hòa theo đúng tiến độ.
Ông Hà Đức Chung, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Một số trục tiêu chính do nhiều năm chưa được nạo vét đã đang trong tình trạng bị bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, hiệu quả thoát nước thấp như trục chính sông Đáy, Nhuệ, La Khê, sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê... Tình hình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng nghiệm trọng, đặc biết là trên các trục tiêu chính; tình trạng đổ rác thải, phế liệu, lấn chiếm mái lòng sông, kênh để trồng rau, dựng lều lán, đăng đó làm thu hẹp dòng chảy diễn ra phổ biến. Việc ngăn chặn giải tỏa vi phạm các công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế. Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB Hà Nội: Trong công tác chống úng ngập, việc phối hợp tiêu úng giữa nội và ngoại thành đóng vai trò quan trọng. Văn phòng PCLB thành phố đã lên 4 phương án điều tiết chung giữa nội và ngoại thành. Việc mở đập Thanh Liệt để đưa nước từ sông Nhuệ vào Tô Lịch để trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu úngcho sông Nhuệ trong đợt mưa bão vừa qua nằm trong phương án 4 và vẫn đảm bảo an toàn cho vùng nội thành. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội: Thành phố phải rà soát quy trình thoát nước, phải xử lý toàn diện, từ hệ thống cống đến hồ điều hòa, mạng lưới sông và hệ thống bơm tiêu phải được kết nối hiệu quả. Trận mưa lớn vừa qua cũng là một bài học cho Hà Nội khi mở các con đường lớn như Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài... hay khi xây dựng các khu đô thị mới. Đáng lẽ phải làm hạ tầng kỹ thuật bên ngoài trước và đấu nối với hệ thống thoát nước chung thì công tác này tiến hành sau khi đường đã thông, thậm chí các khu đô thị không đấu nối được hệ thống thoát nước với khu vực xung quanh. |
Xuân Minh