Ngày 18/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn cấp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3.Ảnh: TTXVN phát
|
Chỉ đạo trên được đưa ra trong bối cảnh cơn bão số 3 đang diễn biến phức tạp và sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội trong 24 - 48h tới.
Đối với các công trình xây dựng đang khai thác, sử dụng, thành phố yêu cầu các chủ sở hữu, người quản lý khai thác sử dụng công trình kiểm tra, rà soát, phát hiện các khiếm khuyết của công trình để xử lý kịp thời. Đặc biệt lưu ý đối với một số công trình xây dựng có sử dụng mái tôn, mái xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo trên cao phải được kiểm tra rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cố.
Các công trình kết cấu thép dạng tháp phải được kiểm tra, đánh giá và gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao đảm bảo an toàn khi có mưa bão. Đồng thời, kiểm tra, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập ứng cục, có biện pháp xử lý an toàn cho cột điện bê tông cốt thép có nguy cơ gây mất an toàn khi có gió, bão.
Theo đó, Sở Xây dựng phải kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về nhà ở, lập danh sách và phân loại nhà bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ để tuyên truyền, hỗ trợ, yêu cầu người dân thực hiện gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn cho người dân, nhà ở. Đối với công trình đang thi công xây dựng cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, bản thân công trình và công trình lân cận; có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị thi công trên cao khác trước khi có gió, bão…
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để chủ động và ứng phó hiệu quả với thiên tai diễn biến phức tạp, cùng với việc xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2016, Sở đã lên phương án xử lý khi có sự cố sụp đổ công trình nhà ở, nhà chung cư.
Hiện, các công trình xây dựng cũ, có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn trên địa bàn là đối tượng cần kiểm tra, rà soát kĩ lưỡng. Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 1.526 chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các nhà chung cư cũ này đều hết niên hạn sử dụng và đã bị xuống cấp. Đặc biệt nghiêm trọng là 4 công trình nhà tập thể cũ có mức độ nguy hiểm về kết cấu cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, bao gồm: Tập thể Bộ Tư pháp, phố Kim Mã Thượng; nhà C8 (ĐN3) Tập thể Giảng Võ; nhà G6A (ĐN1,2) Tập thể Thành Công; nhà A (ĐN1) Tập thể Ngọc Khánh.
Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là đơn vị được giao thực hiện kiểm tra, rà soát quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, khi phát hiện nhà có nguy cơ đổ sập cần tổ chức chống đỡ ngay để đảm bảo an toàn. Sau đó, lập danh mục riêng các công trình, nhà ở có nguy cơ đổ sập theo kế hoạch năm sau cần duy tu, sửa chữa.
Đối với các nhà nguy hiểm không thuộc quỹ đất Công ty quản lý, các nhà đan xen sở hữu, cần phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình tổ chức sửa chữa, chống đỡ, gia cố. Đồng thời, thống nhất địa điểm dự kiến di dời dân khi có sự cố sập đổ các công trình xây dựng và tổ chức ứng trực 24/24 giờ để phát hiện nhanh chóng sự cố, báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố, Sở Xây dựng để có phương án xử lý kịp thời.
Cũng theo chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã và đang tập trung triển khai kế hoạch về đảm bảo thoát, chống úng ngập đô thị mùa mưa năm 2016. Cụ thể, công ty đã thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo vận hành an toàn các thiết bị, xe, máy cụm công trình đầu mối Yên Sở và Bắc Thăng Long - Vân Trì, đập Thanh Liệt, trạm bơm Trần Phú....; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, thiết bị, nhân lực dự phòng tại chỗ; đảm bảo duy trì kiểm soát được mực nước các hồ, hệ thống thoát nước.
Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nạo vét, duy tu duy trì, thu gom phế thải, bèo rác, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, nạo vét 100% các trục mương, các cống thoát nước chính theo từng khu vực và đồng bộ với nạo vét hệ thống mương, sông; tổ chức ứng trực 24/24h cụ thể cho từng vị trí, với đầy đủ phương tiện (72 xe stec hút, 20 máy bơm chìm 100-150m3/h; 11 máy phát điện 5-30LVA, 1 tổ bơm di động 1.000m3/h, 2 xe bơm di động 1800m3/h, 8 tổ máy bơm di động 200-300m3/h và hơn 100 xe ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải ben...), đảm bảo hoạt động tốt, sẵn sàng hỗ trợ cho Ban Chỉ huy PCTT của Thành phố khi có yêu cầu…