Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa nhận định, số tiền nợ bảo hiểm giảm do thời gian qua có sự phối hợp mạnh mẽ, hiệu quả việc thanh, kiểm tra giữa liên ngành của Hà Nội gồm Công an, Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục thuế, Sở Y tế, trong việc yêu cầu doanh nghiệp trả nợ bảo hiểm cho người lao động.
Mặc dù tỷ lệ nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp đã giảm mạnh nhưng so với toàn quốc, số nợ bảo hiểm xã hội ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình chung, ảnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của hơn 300 nghìn người lao động trên địa bàn. Con số trên cho thấy thời gian tới liên ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để có được kết quả giảm nợ ổn định, bền vững.
Cho biết về kế hoạch thu nợ "hộ", bảo vệ quyền lợi người lao động trong thời gian tới, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, sẽ chủ động phối hợp và tiếp nhận tài liệu, hồ sơ của các doanh nghiệp, đơn vị do Bảo hiểm xã hội thành phố chuyển đến để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, khi triển khai "đòi" nợ bảo hiểm xã hội để tránh sự chồng chéo giữa các ngành, cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất giữa các đơn vị để có thể xác định được những công ty, doanh nghiệp có khả năng chi trả, tiến hành thanh, kiểm tra. Mặt khác, trong quá trình thanh, kiểm tra cần tập trung vào các công ty, doanh nghiệp có số nợ lớn để đem lại hiệu quả trong thu nợ bảo hiểm xã hội.
Mục tiêu của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hết năm 2018 và năm 2019, hạ tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội ở Hà Nội xuống dưới 3%. Một trong những giải pháp mà Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đưa ra là đẩy mạnh thực hiện các nội dung phối hợp liên ngành; phân loại nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội gửi các sở ngành làm cơ sở phối hợp, thanh kiểm tra các đơn vị nợ; kiến nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm theo quy định.